Chưa phân loại

NGƯỜI NGHỆ Ở ĐÀ LẠT MỘNG MƠ

Trở lại Đà Lạt lần này tôi được những người bạn, người em trọ trẹ tiếng Nghệ rủ đi “mần chén rượu phị anh em đồng hương cho vui”. Thay vì chọn quán chill chill thì tôi lại chọn về ấp Nghệ Tĩnh – là ấp người Nghệ vào Đà Lạt lập nghiệp gần 100 năm nay, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của phố núi của quê hương xứ Nghệ.

Cũng tại ấp này, các Nghệ nhân đã xây Đình Nghệ Tĩnh và có thể nói là nơi thành lập Hội đồng hương Nghệ Tĩnh sớm nhất được triều đình chuẩn y với tên hội là “Hội Hoàn Châu Ái Hữu” (thực chất là Hoan Châu – tức Nghệ An và Hà Tĩnh để đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau tìm việc làm, đùm bọc nhau lúc ốm đau, hoạn nạn.

Theo các cụ trưởng lão kể lại, ấp Nghệ Tĩnh được hình thành từ những người mở đường như cụ Nguyễn Thái Hiến, cụ Tôn Gia Huồng và nhất là sự trợ giúp của cụ Phạm Khắc Hoè, lúc đó là quản đạo Đà Lạt đồng thời là một người con xứ Nghệ. Khi nhận thấy Đà Lạt đất rộng người thưa, cây cối tốt tươi trong khi quê hương xứ Nghệ khô cằn sỏi đá, các cụ đã xin với Quản đạo Phạm Khắc Hoè và được cụ Hoè giúp đỡ nhiệt tình, về chiêu mộ bà con, bạn bè ở Hoan Châu vào lập ấp vào những năm đầu của thế kỷ 20b với khoảng 70 hộ gia đình từ Đô Lương, Thanh Chương và Đức Thọ.  

Năm 1930, sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, người xứ Nghệ vào Đà Lạt ngày càng đông và lập Hội Ái hữu, Hội tương tế… nhằm đoàn kết tương thân tương ái, giúp đỡ nhau tìm việc làm, xây dựng cơ sở cách mạng.

Từ 1 ấp Nghệ Tĩnh, nay đã có 5 tổ dân phố mang tên Nghệ Tĩnh. Do gần Trường ĐH Đà Lạt, nên người Nghệ ở đây chủ yếu là xây nhà trọ cho sinh viên thuê, một số hộ còn trồng và kinh doanh hoa. Do gần trường ĐH và tinh thần học tập của người Nghệ nên các tổ dân phố hiện có nhiều giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đang tham gia giảng dạy tại trường.

Về Đình Nghệ Tĩnh – cái tên quen thuộc với những người xứ Nghệ nhiều thế hệ ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Trong lịch sử phát triển TP Đà Lạt xưa có dấu ấn của những người con từ xứ Nghệ đến đây lập làng, lập ấp. Đình là nơi gắn kết, biểu tượng tâm linh gắn kết cộng đồng với miền đất lành và ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn. Và nơi đây, những người con xứ Nghệ ở Lâm Đồng lại tề tự về đây làm lễ tế thu. Đình được xây dựng từ năm 1941 trên khu đất bằng phẳng ngay giữa tổ dân phố Nghệ Tĩnh (hiện là đường Trần Khánh Dư, phường 8, TP Đà Lạt).

Ngôi đình là căn nhà ba gian hai chái theo kiến trúc truyền thống của người miền Trung Bắc bộ. Hai bên cửa chính trước thềm có đôi câu đối bằng tiếng Việt “Cây có gốc mới tốt cành xanh lá/Nước có nguồn mới bể cả sông sâu”. Ban thờ chính giữa với bức hoành phi 4 chữ “Truy niệm tiền ân”; bốn cột có hai cặp đôi câu đối mang ý nghĩa cháu con đời đời ghi nhớ công đức những bậc tiền nhân đã có công khai sơn, phá thạch, mở đất: “Tiên tổ sáng lập phương danh lưu quốc sửu/ Tử tôn kính thành tích học kế gia phong”, “Công đức tổ tông tiền khai lưu vạn thế/ Ân thâm tôn tử hậu thế tạc thiên thu”. Hai cột chính giữa cạnh cửa chính ra vào có đôi câu đối “Điện vũ huy hoàng nhân kiệt địa linh thiên cổ tích/ Thần uy hiệu đãng diên khang vật phụ vạn niên xuân”.

Lễ tế thu tại Đình Nghệ Tĩnh…

Và cũng xuất phát từ đây mà năm 1938, những Nghệ nhân tại Đà Lạt đã thành lập Hội Hoan Châu ái hữu với mục đích là “gây tình thân mật giữa các hội viên và giúp đỡ những người cùng cực, lâm nạn quên quá tại Nghệ An và Hà Tĩnh vào trú ngụ tại Đà Lạt và Đồng Nai Thượng”.

Cũng có người nói hội hè mang tính cục bộ địa phương, nhưng chúng ta hãy nghĩ về nghĩa tích cực của các hội 37-38. Như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (cũng là một người con xứ Nghệ) tại một buổi gặp mặt đồng hương mới đây kỳ vọng, hội đồng hương, các doanh nhân sẽ nỗ lực, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động, làm giàu cho công ty và có nhiều đóng góp hơn nữa cho xã hội; có nhiều chương trình ý nghĩa hướng về quê hương, cội nguồn. Còn bà con đồng hương thì đoàn kết, sẻ chia, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống…

HỒ THU

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết khác