(LĐXH) – Chiều ngày 21/12/2022, Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 416/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới tại TP.HCM.
Tham gia cùng đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH có ông Nguyễn Mậu Quyết – Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban kinh tế Trung ương; ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm; ông Tống Văn Lai – Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; ông Phạm Anh Thắng – Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH – Trưởng Đại diện Văn phòng (VP) Bộ tại TP.HCM. Về phía UBND TP.HCM có ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP; ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cùng đại diện LĐLĐ TP.HCM và các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Văn Lâm- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN), 1 khu công nghệ cao, 1 công viên phần mềm, 1 khu nông nghiệp công nghệ cao, 10 cụm công nghiệp. Tổng số doanh nghiệp hoạt động là 248.897 đơn vị với số lao động làm việc là 2.812.237 người, trong đó doanh nghiệp hoạt động trong các KCX-KCN và khu công nghệ cao là 1.568 đơn vị với tổng số lao động là 333/132 người.
Tính đến cuối tháng 11/2022, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM hiện đang quản lý 19.564 công đoàn cơ sở với 1.245.663 đoàn viên/1.524.180 lao động, trong đó khu vực ngoài nhà nước là là 16.663 công đoàn cơ sở với 1.080.079 đoàn viên/1.253.264 lao động,..
Thông tin về tình hình nâng cao hiệu quản quản lý nhà nước về quan hệ lao động, ông Lâm cho biết, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp củng cố, ổn định tình hình quan hệ lao động; tham mưu UBND TP ban hành các kế hoạch tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Ban Thường vụ LĐLD TP.HCM cũng chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn công đoàn các doanh nghiệp phát huy vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Đẩy mạnh công tác đối thoại, nắm bắt tam tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để đề xuất và đại diện người lao động thương lượng với chủ doanh nghiệp cải thiện và nâng cao phúc lợi đoàn viên, người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) chất lượng với các điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Tính đến ngày 15/12/2022, TP.HCM đã tiếp nhận TƯLĐTT thể của 5.044 lượt doanh nghiệp (đạt 100,9% chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022); có 11.978 công đoàn cơ sở đã phối hợp người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động định kỳ; có 12.978 công đoàn cơ sở đã phối hợp người sử dụng lao động tổ chức đối thoại định kỳ.
Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tiền lương, Sở LĐ-TB&XH TP đã phối hợp với LĐLĐ TP, Ban quản lý Khu công nghệ cao, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện để yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương thưởng Tết cho người lao động.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lâm cho biết, do tác động từ thị trường thế giới, đặc biệt là những nước Châu Âu, một số doanh nghiệp da giày, may mặc,.. xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt buộc phải sắp xếp tổ chức lại, giảm lao động. Năm 2022, có 31 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do kinh tế với số lao động bị mất việc làm 2.969 người. Trong số này có 2 doanh nghiệp có thông báo cho nhiều người lao động thôi việc, gồm: Công ty TNHH Việt Nam Samho (1.425 lao động mất việc) và Công ty TNHH Tỷ Hùng (1.185 lao động mất việc). Ngoài ra, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cũng có thông báo cho 20.000 người lao động tại một số xưởng sắp xếp nghỉ luôn phiên, thời gian áp dụng từ ngày 1/12/2022 đến 28/2/2023.
Trước thực trang này, Sở LĐ-TB&XH TP đã phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ TP, Ban quản lý KCX-KCN, Ban quản lý Khu công nghệ cao, BHXH TP và các đơn vị liên quan để theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn TP và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan đến quan hệ lao động. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan huy động các nguồn lực chăm lo cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng- Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH – Trưởng Đại diện VP Bộ tại TP.HCM, đánh giá cao về công tác xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại TP.HCM trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý, trong thời gian tới, TP.HCM cần tiếp tục quan tâm hơn đến nhóm lao động phi chính thức, sớm đưa nhóm này vào nhóm có quan hệ lao động để đảm bảo chế độ cho người lao động.
Qua nghe báo cáo và trao đổi với các đơn vị, đại diện các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh ghi nhận và đánh giá cao việc thực hiện việc xây dựng quan hệ lao động và hỗ trợ giải quyết việc làm và chăm lo, hỗ trợ cho người lao động của TP.HCM tronng thời gian qua.
Thứ trưởng Thanh cho rằng, TP.HCM là địa bàn có nhiều doanh nghiệp và người lao động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn TP đã quan tâm hơn đến quan hệ lao động, tiến bộ trong thị trường lao động. Thời gian tới, TP cần tiếp tục tăng cường phát triển thị trường lao động, kết nối cung – cầu lao động, không để thiếu hụt lao động. Đồng thời, chăm tốt hơn nữa đời sống cho người lao động, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, nhận thức của các bên trong quan hệ lao động tại TP đã được nâng lên. Qua quá trình thực hiện với những vụ việc phát sinh, TP nhận thấy niềm tin giữa doanh nghiệp và người lao động thêm vững chắc. Mọi người ai cũng hiểu hoàn cảnh, hiện trạng của doanh nghiệp để cùng chia sẻ. Theo ông Hoan, thời gian tới TP sẽ cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa, lấy chuẩn mực của châu Âu, Mỹ,… để đào tạo cho người lao động, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, nâng cấp công nghệ…
Trước buổi làm việc với UBND TP.HCM, sáng cùng ngày Thứ trưởng Lê Văn Thanh cùng Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi thực địa kiểm tra, giám sát tình hình lao động việc làm, đảm bảo lương, thưởng tết cho người lao động tại Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân (công ty này gặp khó khăn, mới quyết định cho 1.200 công nhân nghỉ việc) và Công ty CP Dệt May đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú). Công ty CP Dệt May, là một trong những doanh nghiệp luôn thực hiện tốt các quy định về quan hệ lao động và chăm lo tốt cho người lao động trên địa bàn TP.HCM. Khi báo cáo với Đoàn, đại diện Công ty CP Dệt May cho biết, dự kiến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, công ty sẽ thưởng bình quân khoảng 1,7 tháng lương cho người lao động.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác, đại diện Công ty TNHH Tỷ Hùng cho biết, Công ty luôn xem người lao động là tài sản vô giá, nên lãnh đạo doanh nghiệp khó khăn lắm mới quyết định cho 1.200 công nhân nghỉ việc và cố gắng chi trả trợ cấp theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ thưởng tết cho 1.200 người lao động nghỉ việc đợt này, với mức gần 1 tháng lương/người.
Sau khi nghe các doanh nghiệp báo cáo, Thứ trưởng Thanh đánh giá cao việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động của các công ty, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất vì giảm đơn hàng. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị, thời gian tới các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đúng những quy định của pháp luật về lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đặc biệt là Công ty TNHH Tỷ Hùng khi sản xuất bình thường trở lại phải ưu tiên tuyển dụng lại những lao động mới phải nghỉ việc.
Trương Đăng