Văn học

Văn học, nghệ thuật Nghệ An với vấn đề xây dựng con người, văn hóa xứ Nghệ

Baonghean.vn) – Đã có nhiều hội thảo khoa học, đã có 2 đề tài trọng điểm cấp tỉnh của Nghệ An tập trung nghiên cứu vấn đề phát huy bản sắc con người, văn hóa xứ Nghệ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Nhiều giải pháp đã được đề cập, trong đó không thể không nói đến vai trò của văn học nghệ thuật.

Trong công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước hiện nay, Đảng ta luôn quan tâm đến vai trò của văn học nghệ thuật. Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đều nhấn mạnh đến vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Trong chiến lược xây dựng Nghệ An theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghệ An phải trở thành tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân được nâng cao, nền văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc xứ Nghệ. Làm sao để phát huy những mặt tốt đẹp trong phẩm chất của con người Nghệ An, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của quê hương, của đất nước là câu hỏi lớn luôn được Đảng bộ, các cấp  chính quyền ở Nghệ An hết sức quan tâm.

Văn học, nghệ thuật Nghệ An với vấn đề xây dựng con người, văn hóa xứ Nghệ ảnh 1
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh (ảnh chụp tại Cầu Cấm). Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh Hải

Nghệ An là một tỉnh lớn ở vùng Bắc Trung Bộ. Đây không chỉ là vùng đất phên dậu của nước Việt trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng mà còn là một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa. Từ lâu đời, người Nghệ đã vun đắp cho mình một nền văn hóa bản địa độc đáo, đủ sức đề kháng với tất cả các yếu tố văn hóa bị xem là xa lạ, ngoại lai, độc hại. Những mặt tích cực và cả tiêu cực trong văn hóa và bản sắc con người xứ Nghệ đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, từ Phan Huy Chú (thế kỷ XVIII), Bùi Dương Lịch (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX), Đặng Thai Mai, Phan Ngọc, Ninh Viết Giao, Lê Bá Hán…

Bùi Dương Lịch (tác giả Nghệ An ký) đã từng nhận định: Xứ này (Nghệ An) tuy “đất xấu dân nghèo” nhưng “dân đều vui vẻ công việc, sẵn sàng vì nước, có lòng tôn quân thân thượng và biết lễ nghĩa liêm sỉ”; “do đất xấu dân nghèo nên chịu khổ, nhẫn nại, cần cù, kiệm ước đã quen nề nếp”(1). Giáo sư Đặng Thai Mai có ý kiến tổng kết sâu sắc về tính cách người Nghệ: “can đảm đến sơ xuất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan, và tằn tiện đến… cá gỗ!”(2). Giáo sư Phan Ngọc nhận xét: “Người Nghệ rạch ròi đến mức khô khan, cực đoan đến mức bảo thủ. Biểu hiện bên ngoài của văn hóa ấy là gàn. Xét về mặt thao tác luận, gàn là theo mô hình trong óc, coi mô hình trong óc hơn thực tế”(3). Giáo sư Phạm Đức Dương lý giải rõ hơn về tính “gàn” của người Nghệ: “vừa đáng yêu vừa đáng phục nhưng cũng tội nghiệp vì đến một giới hạn nào đó, nó trở thành lực cản – bệnh sĩ. Phải chăng đây là một sự pha trộn của sự cố chấp của người tiểu nông Việt Nam yêu nước với người quân tử của nho giáo”(4).

Truyền thống văn hóa và bản sắc vùng miền vừa là một sức mạnh nhưng đồng thời nhiều lúc cũng là một lực cản trong xây dựng văn hóa và con người văn hóa của một vùng đất. Ngay ở thời điểm hiện tại, người ta vẫn nói đến những mặt hạn chế không nhỏ của tính cách Nghệ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương: tư tưởng bảo thủ, cố chấp, cứng nhắc, thiếu linh hoạt; tâm lý “dại bầy hơn khôn độc”; “ăn truyền thống, sống tiềm năng”, “giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh không sử dụng”… Nhưng không nên xem những đặc trưng mang tính chất địa – văn hóa như một định mệnh, không thể thay đổi.

Văn học, nghệ thuật Nghệ An với vấn đề xây dựng con người, văn hóa xứ Nghệ ảnh 2
TP. Vinh nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, người Nghệ không còn quanh quẩn trong lũy tre làng. Khoảng cách 300 km ra Hà Nội, hơn 1.000 km vào thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí sang các nước châu Âu, châu Mỹ không còn là quá xa xôi đối với nhiều người dân xứ Nghệ. Người nghệ hiện nay cũng định cư ở nhiều vùng trên đất nước ta và ở nhiều nước trên thế giới. Trong sự tiếp biến văn hóa, bên cạnh những mặt bảo lưu, người Nghệ cũng tiếp thu nhanh nhạy nhiều ưu điểm trong văn hóa của các vùng miền khác. Nhiều nét bảo thủ nhất trong văn hóa xứ Nghệ cũng đã có thay đổi, nhất là lớp trẻ.

* * * * *

Đã có nhiều hội thảo khoa học, đã có 2 đề tài trọng điểm cấp tỉnh của Nghệ An tập trung nghiên cứu vấn đề phát huy bản sắc con người, văn hóa xứ Nghệ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Nhiều giải pháp đã được đề cập, trong đó không thể không nói đến vai trò của văn học nghệ thuật. Với tính chất là bộ phận quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, văn học nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam lại là tổng thể hài hòa, là sự kết hợp của nhiều vùng văn hóa, mỗi vùng góp vào văn hóa dân tộc những mặt tốt đẹp nhất để tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của dân tộc Việt. Để thực hiện mục tiêu trên, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An những năm gần đây đã có những sự đầu tư thích đáng cho sự phát triển của nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Tại Đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh lần thứ X (tháng 5/2019), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức gặp gỡ thân tình với đội ngũ văn nghệ sĩ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặt ra những yêu cầu cho sáng tạo nghệ thuật, với tinh thần văn học nghệ thuật phải đồng hành tích cực với công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Văn học, nghệ thuật Nghệ An với vấn đề xây dựng con người, văn hóa xứ Nghệ ảnh 3
Hội thảo khoa học “Tính cách người Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay”. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Mới đây, Kế hoạch số 109/KH-UBND của UBND tỉnh nghệ An ngày 03/3/2021 triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng khẳng định: “Xây dựng con người Nghệ An có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và hội nhập (…). Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc định hướng thị hiếu, thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, trí tuệ, kỹ năng sống, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân và xã hội”.

Trong những năm gần đây, Nghệ An đã có sự tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn học nghệ thuật, cho ngôi nhà chung của anh em văn nghệ sĩ là  Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (sau đây gọi tắt là Hội), cho tạp chí Sông Lam (cơ quan ngôn luận của Hội). Nghệ An đã nhanh chóng thực hiện quy hoạch báo chí trên địa bàn tỉnh, sáp nhập Tạp chí Văn hóa Nghệ An vào Tạp chí Sông Lam, bàn giao trụ sở mới cho Tạp chí Sông Lam, đầu tư thêm về cơ sở vật chất, kinh phí… Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đồng ý cho soạn thảo đề án “Xây dựng và phát triển Tạp chí Sông Lam giai đoạn 2021 – 2025, có tính đến năm 2030”, theo hướng phát triển hiện đại, bền vững, bao gồm tạp chí in và tạp chí điện tử. 

* * * * *

Tranh thủ sự ủng hộ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, phát huy nội lực của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ Nghệ An những năm gần đây đã thể hiện sự tích cực đồng hành cùng sự đổi mới, phát triển của quê hương. Các văn nghệ sĩ đã nhập cuộc với nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, của tỉnh nhà. Điển hình là trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà Nghệ An là một trong những tỉnh có thành tích ở tốp đầu cả nước, Hội đã tổ chức 3 trại sáng tác, nhiều đoàn đi thực tế, cho các văn nghệ sĩ xuống các huyện, các xã nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Các văn nghệ sĩ đi thực tế. Ảnh: CTV
Các văn nghệ sĩ đi thực tế. Ảnh: CTV

Qua các đợt thực tế sáng tác, nhiều văn nghệ sĩ đã hào hứng, tự nguyện hoàn thiện nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc, tranh, ảnh… phản ánh sự đổi mới, lợi ích thiết thực của người dân trong phong trào này. Việc sáng tác về đề tài nông thôn mới ban đầu là sự vận động, khuyến khích, nay đã trở thành việc làm tự nguyện, đầy hào hứng của nhiều văn nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm sáng tác theo chủ đề này đã đạt các giải thưởng quốc gia, khu vực. Trong bối cảnh dịch Covid -19 có nhiều đợt bùng phát trên toàn tỉnh, nhất là đợt dịch lần thứ 4, Tạp chí Sông Lam của Hội đã thường xuyên có những bài cập nhật, những ghi chép, phóng sự, chùm ảnh… phản ánh những khó khăn, mất mát của người dân, đặc biệt là biểu dương kịp thời lực lượng tuyến đầu chống dịch, những tấm gương hy sinh, những tấm lòng thiện nguyện…

Nhiều phóng viên, hội viên đã thực sự tham gia như những người đứng ở tuyến đầu. Tạp chí Sông Lam hôm nay đã đổi mới, thực sự mang hơi thở của đời sống xã hội, đồng thời vẫn không đánh mất bản sắc của một tạp chí văn học nghệ thuật. Chính vì thế, tạp chí ngày càng tạo được tiếng vang với độc giả trong và ngoài tỉnh, số lượng phát hành tạp chí, số người truy cập trang điện tử đã tăng lên nhanh chóng. Nhiều mục mới của tạp chí thể hiện tinh thần nhập cuộc, trăn trở với đời sống được nhiều bạn đọc hoan nghênh như: Thời luận, Tiếng nói văn nghệ sĩ, Sự kiện và đối thoại, Đất Nghệ người Nghệ…

Hội Liên hiệp VHNT và anh em văn nghệ sĩ cũng không đứng ngoài nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết của quê hương, của đất nước như xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo; giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước ra nước ngoài… Hội đã 2 lần đăng cai triển lãm Mỹ thuật, triển lãm Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung; tổ chức, xuất bản một tuyển tập văn thơ về đề tài biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo; Tham gia nghiên cứu, bảo tồn, dàn dựng nhiều vở kịch hát dân ca… Nhiều hội viên tham gia và đạt nhiều giải thưởng cao trong giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cấp Trung ương và cấp tỉnh; tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài miền núi…

Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và Ban Mỹ thuật phối hợp tổ chức một triển lãm tại trụ sở Hội. Ảnh: Hữu Vinh
Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và Ban Mỹ thuật phối hợp tổ chức một triển lãm tại trụ sở Hội. Ảnh: Hữu Vinh

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ này là phát huy thế mạnh của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, phát huy thế mạnh của văn học nghệ thuật, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng con người Nghệ An, con người Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Hội đã tham gia tích cực vào việc xây dựng, phản biện các đề án bảo tồn và phát triển dân ca ví giặm, đưa dân ca ví giặm vào nhà trường; tăng cường sáng tác, quảng bá vẻ đẹp của vùng đất, con người Nghệ An; sáng tác ca khúc về Nghệ An…

Nhiều công trình, sáng tác của hội viên đã được tặng các giải thưởng cao của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, của các Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh… như công trình nghiên cứu, bảo tồn chữ Thái hệ Lai – Tay của Sầm Văn Bình, nghiên cứu văn hóa, âm nhạc người Thái, người Mông của La Quán Miên, Dương Hồng Từ, nghiên cứu sân khấu hóa dân ca của Thanh Lưu, các tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ của Nguyễn Thế Quang… Tạp chí Sông Lam của Hội mở chuyên mục Đất Nghệ người Nghệ với nhiều bài viết hay, nhiều tư liệu quý…

Ra mắt tuyển tập thơ của nhà thơ Thạch Quỳ. Ảnh: Quốc Khánh
Ra mắt tuyển tập thơ của nhà thơ Thạch Quỳ. Ảnh: Quốc Khánh

* * * * *

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động văn học nghệ thuật ở các địa phương nói chung, ở Nghệ An nói riêng cũng gặp những khó khăn không nhỏ. Trước hết là sự vướng mắc về cơ chế hoạt động của Hội, của Tạp chí Sông Lam trực thuộc Hội. Ngân sách dành cho các hoạt động văn học nghệ thuật hạn hẹp, việc phát huy nguồn lực xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hội lại đang đứng trước thách thức là sự hẫng hụt về thế hệ. Phần lớn hội viên là người cao tuổi, sức sáng tạo giảm sút. Nhiều chuyên ngành như Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình rất ít các cây bút trẻ. Một số ngành như Sân khấu, Múa thực sự phát triển khó khăn. Một số cây bút trẻ có năng lực nhất định lại không mặn mà gia nhập Hội, việc tổ chức bồi dưỡng lực lượng trẻ không có kinh phí… Vì thế để tạo thuận lợi cho hoạt động văn học nghệ thuật, cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý, tạo quyền tự chủ nhiều hơn cho các hoạt động của Hội, của Tạp chí Sông Lam, tăng cường cơ chế đặt hàng, khoán kinh phí, tạo thuận lợi để xã hội hóa một số hoạt động văn học nghệ thuật phù hợp.

Nghệ An, tháng 12 năm 2021

_______________________________________

(1) Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Bản dịch của Nguyễn Thị Thảo, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1993, tr. 217, 223.

(2) Đặng Thai Mai, Văn thơ Phan Bội Châu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 37.

(3, 4) Chuyển dẫn từ Ninh Viết Giao, Về văn hóa xứ Nghệ, tập 2, Nxb Nghệ An, 1996, tr. 21.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết khác