Hoạt động

Nông dân Nghệ An vất vả chống hạn cho chè

(Baonghean.vn) – Nắng nóng gay gắt trong những ngày qua khiến cây chè đứng trước nguy cơ hạn nặng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cuối vụ. Để tưới nước “giải hạn” cho chè, nông dân phải bỏ tiền triệu mỗi ngày để mua dầu vận hành máy nổ bơm tưới…

Nông dân Nghệ An vất vả chống hạn cho chè ảnh 1
Những ngày nắng hạn, người dân xã Thanh Thuỷ phải vận hành tưới phun 8-10 tiếng/ngày cho chè. Ảnh: Thanh Phúc

Thôn Ngọc Lâm (xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Chương) có 100% hộ dân trồng chè nguyên liệu với diện tích 180ha. Nắng hạn kéo dài khiến đất khô chai, lá chè bắt đầu sém lá. Để chống hạn cho cây chè, người dân tăng cường tưới nước dưỡng chè bằng béc tưới phun, ngày tưới liên tục từ 8-10 tiếng đồng hồ.

Ông Hồ Văn Dương – Bí thư Chi bộ thôn Ngọc Lâm cho biết: “100% hộ dân trong xóm trồng chè nguyên liệu với diện tích 180ha. Trong đó, còn 70ha chè điện 3 pha chưa vào đến nơi nên người dân phải dùng máy nổ để bơm tưới chè.

Những ngày nắng nóng cao điểm, người dân phải bơm tưới liên tục từ 8-10 tiếng đồng hồ. Nếu hộ nào sử dụng điện để tưới thì tốn khoảng 80.000 – 100.000 đồng tiền điện/1ha tưới/ngày.

Vất vả nhất là các hộ phải dùng máy nổ, với giá dầu hiện nay, mỗi tiếng chạy máy nổ để bơm tưới hết 2,5 lít dầu, với giá gần 31.000 đồng/lít như hiện nay, mỗi tiếng chạy máy nổ tiêu tốn 78.000 đồng, để tưới cho 1ha chè, liên tục trong vòng 10 tiếng hết cả triệu đồng”.

Nông dân Nghệ An vất vả chống hạn cho chè ảnh 2
Nhiều hộ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước tưới. Ảnh: Thanh Phúc

Không riêng gì Thanh Thuỷ mà các hộ trồng chè ở Hạnh Lâm cũng rất vất vả khi 364ha chè phần lớn nằm cách xa đường điện nên mới chỉ có điện sinh hoạt vào tận nơi chứ chưa có điện 3 pha để bơm tưới cho cây chè.

Anh Nguyễn Thành Luân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết: “Giải pháp chống hạn cho cây chè hiệu quả nhất là bơm nước sông Giăng lên tưới cho chè. Hộ nào kéo điện tận nơi còn đỡ tốn kém, còn nếu dùng máy nổ chạy dầu thì tốn kém gấp 10 lần so với dùng điện”.

Nông dân Nghệ An vất vả chống hạn cho chè ảnh 3
Thường xuyên kiểm tra cây chè để có phương án chống hạn cụ thể. Ảnh: Thanh Phúc

Đón đầu mùa nắng hạn năm nay, hộ anh Nguyễn Đình Thuyết (thôn Thuỷ Sơn, xã Thanh Thuỷ) đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, đào giếng và màng phủ chống cỏ bằng hạt nhựa nhằm giữ ẩm cho cây chè. Anh Nguyễn Đình Thuyết cho biết: “Tốn kém nhưng cũng phải đầu tư vì cây chè là thu nhập chính của cả gia đình. Nếu gặp hạn, năng suất giảm, chất lượng chè giảm, thu nhập cũng giảm theo. Có hệ thống tưới nhỏ giọt tự động sẽ tiết kiệm được điện năng, tiết kiệm nước. Nhờ có màng phủ hạt nhựa nên đất giữ ẩm được lâu hơn”.

Đối với những hộ chưa có điều kiện để đầu tư như hộ anh Thuyết thì họ lại tận dụng rơm rạ, cỏ dại, cây bụi để phủ gốc chè nhằm giảm bớt lượng nắng chiếu vào gốc cây, giảm nhiệt và giữ ẩm cho đất. Đồng thời, đào rãnh giữa các luống chè nhằm tích nước khi có mưa, để đất được “no”, được ngấm nước lâu hơn.

Nông dân Nghệ An vất vả chống hạn cho chè ảnh 4
Vất vả nhất là những nơi đường điện 3 pha chưa đến nơi, bà con phải dùng máy nổ để vận hành bơm tưới trong khi giá dầu tăng cao nên rất tốn kém. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Thanh Chương cho biết: “Toàn huyện có gần 5.000 ha chè, tập trung ở các xã Thanh Mai, Thanh Thuỷ, Thanh Hương, Thanh Đức, Thanh Thịnh, Hạnh Lâm và rải rác ở một số địa phương khác. Hiện, thời tiết đang ở những ngày nắng nóng gay gắt nên người dân tích cực triển khai chống hạn cho cây chè bằng nhiều cách: Tăng cường tưới nước dưỡng ẩm; phủ gốc; xây kè ao tích nước để bơm tưới… Rút kinh nghiệm từ những năm trước nên bà con đã chủ động các phương án chống hạn, đầu tư, ứng dụng công nghệ vào chống hạn, nên đến hiện tại, dù trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhưng cây chè vẫn chưa bị tác động tiêu cực do thời tiết cực đoan gây ra”.

Nông dân Nghệ An vất vả chống hạn cho chè ảnh 5
Tủ rơm, rạ dưới gốc chè nhằm giữ ẩm cho đất cũng là một phương pháp chống hạn hiệu quả. Ảnh: Thanh Phúc

Ở các vùng trồng chè khác như Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp… bà con cũng đang tích cực, chủ động các phương án chống hạn cho cây chè nguyên liệu để bảo vệ vườn chè của gia đình, bù lại chi phí, công sức đã bỏ ra.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết khác