Văn hóa - du lịch

Người giỏi ở Piêng mựn

Trong cái lạnh se sắt của vùng rẻo cao ngày cuối năm, trải qua một hành trình dài hơn 120km từ thị trấn Thạch Giám của huyện Tương Dương vòng qua địa bàn huyện Kỳ Sơn trên cung đường uốn lượn quanh co, chúng tôi mới tới được xã biên giới Mai Sơn của huyện Tương Dương. Ghé bản Piêng Mựn, hỏi thăm Trưởng bản Kha Thị Hoa, người dân chỉ sang khu vực sản xuất bên kia dòng Nậm Nơn: “Trưởng bản đi đào củ đậu rồi, siêng lắm, làm suốt thôi!”

Gọi điện thoại ngoài vùng phủ sóng nên khi thấy vài ba chiếc thuyền của người dân đang thả lưới đánh cá trên dòng Nậm Nơn, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Mai Sơn Lô Văn Điện đánh tiếng nhờ họ gọi với sang. Một lúc sau đã thấy giọng lanh lảnh của Trưởng bản Kha Thị Hoa phía xa xa vọng lại “chờ em một tý nhé, nốt công chuyến này!”. Hơn 30 phút sau, một chiếc xuồng nhôm cập bến dưới gốc cây cổ thụ tán xum xuê ngay gần nhà văn hoá cộng đồng bản Piêng Mựn, hai người phụ nữ mặc đồ lao động bước xuống, tay cầm xuổng, vai khoác gùi mây nặng trĩu củ đậu tươi mới đào còn dính đất.

Trưởng bản Kha Thị Hoa (đứng) đi đào củ đậu ở nương rẫy bên kia sông trở về.
Trưởng bản Kha Thị Hoa (đứng) đi đào củ đậu ở nương rẫy bên kia sông trở về.

“Người đi trước là Trưởng bản Piêng Mựn Kha Thị Hoa đấy, phía sau là chị Bùi Thị Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, được BCH Đảng bộ xã phân công phụ trách bản Piêng Mựn”, Phó Bí thư Đảng uỷ Lô Văn Điện giới thiệu. Như cảm thấy có lỗi vì để khách phương xa tới thăm bản phải chờ lâu, Trưởng bản Kha Thị Hoa nở nụ cười tươi rói, thanh minh “có người đặt hàng củ đậu, lỡ hứa rồi phải đi đào sớm để gửi cho kịp chuyến xe. Củ đậu trồng trên đất Piêng Mựn giòn và ngọt, lại đang vào mùa thu hoạch, mình và chị em trong bản thường đăng lên Facebook, Zalo nên khá nhiều người vào đặt hàng, có khi không kịp gom để gửi cho khách…”

Trong câu chuyện thân tình ngay sau đó ở ngôi nhà sàn ấm cúng, nhanh nhẹn gọt những củ đậu tươi ngon thớ trắng phau vừa đào về mang ra mời khách, nữ trưởng bản năng động trải lòng về niềm vui và cả những nỗi vất vả khó gọi tên khi hai vai gánh trọn “việc bản, việc nhà”.

Một góc bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn (Tương Dương).
Một góc bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn (Tương Dương).

Piêng Mựn trước đây là bản “4 không”: không đường, không điện, không chợ, không phủ sóng điện thoại, muốn đến phải đi bằng thuyền theo dòng Nậm Nơn, giờ thì đường nhựa đã chạy qua bản, cuộc sống của người dân và bộ mặt của bản làng đã thay đổi nhiều rồi. Cô gái Thái Kha Thị Hoa trước đây cũng chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình sẽ trở thành trưởng bản.

Thời học sinh, dẫu cuộc sống nhiều khó khăn nhưng Kha Thị Hoa vẫn quyết tâm học hết cấp 3, sau đó lấy chồng, vừa phát triển kinh tế tại địa phương vừa tích cực tham gia công tác phong trào. Một thời gian ngắn sau đó, chị được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Piêng Mựn và kết nạp Đảng khi đang ở độ tuổi 20. Đến tháng 2 năm 2020, Kha Thị Hoa được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Lúc mới nhận nhiệm vụ, chị Kha Thị Hoa khá lo lắng vì bản thân là phụ nữ, chồng đi làm ăn xa, hai con nhỏ, chưa có kinh nghiệm, công việc ở thôn bản lại nhiều và không tránh khỏi sự va chạm.

Chị Kha Thị Hoa là người giỏi việc bản, đảm việc nhà.
Chị Kha Thị Hoa là người giỏi việc bản, đảm việc nhà.

Ấy thế nhưng, được sự hỗ trợ của Chi bộ, cán bộ xã phụ trách bản, chị từng bước khắc phục khó khăn, thuyết phục mọi người bằng lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm với việc dân, việc bản. Cái gì không biết hoặc chưa nắm rõ, chị hỏi ý kiến và tranh thủ sự đồng thuận của già làng, người có uy tín, đảng viên cao tuổi ở thôn bản. Mới đầu, Trưởng bản Kha Thị Hoa còn chưa biết sử dụng máy vi tính, sau khi được chị Bùi Thị Lan – Phó Chủ tịch HĐND xã xin cho một chiếc máy và hướng dẫn sử dụng, Trưởng bản Kha Thị Hoa đã tranh thủ học hỏi, sau đó tự mày mò, soạn thảo văn bản cho Ban quản lý bản, cho chi bộ.

Trở thành người đứng đầu thôn bản, chị Kha Thị Hoa cũng chịu khó cập nhật thông tin, học hỏi thêm nhiều điều hay, kinh nghiệm quý trong sản xuất và trong cách làm dân vận để tạo được sự đồng thuận của người dân. Chị tâm niệm làm việc với dân không gì thuyết phục bằng sự gương mẫu, “nói được, làm được”. Ví như để triển khai xây dựng hệ thống sân vận động, sân khấu từ nguồn xi măng nhà nước hỗ trợ trong năm 2022. Trưởng bản Kha Thị Hoa cùng với chi bộ, Ban quản lý bản đã kiên trì làm công tác dân vận để các hộ dân có chuồng trại chăn nuôi, vườn rau, cây ăn quả nguyện di dời để giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ mới đầu còn lần lữa với nhiều lý do khác nhau như chờ bán xong lứa lợn, chờ thu hoạch xong lứa quả, chờ hết vụ rau… nhưng sau khi thấy gia đình trưởng bản đi đầu hiến chuồng trâu và 3 vườn rau xanh thì các hộ còn lại cũng tự nguyện di dời trả mặt bằng sạch cho bản triển khai làm sân vận động. Ngoài 15 tấn xi măng do nhà nước cấp và 60 khối cát sỏi trích từ quỹ bảo vệ rừng, bản còn huy động nhân dân bỏ ngày công, chia theo tổ để xây dựng công trình chung.

Trưởng bản Kha Thị Hoa (áo đỏ) trao đổi về công tác dân vận để xây dựng công trình sân vận động bản.
Trưởng bản Kha Thị Hoa (áo đỏ) trao đổi về công tác dân vận để xây dựng công trình sân vận động bản.

Giờ thì Piêng Mựn đã có sân vận động đổ bê tông thoáng rộng với sân khấu khang trang với tổng diện tích 450m2, tổng kinh phí hơn 40 triệu đồng làm nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí, người dân ai cũng phấn khởi. Riêng con đường vào khu sản xuất Khe Lỵ, bản đã vận động nhân dân triển khai làm đường 2 lần. Lần đầu là năm 2021, khi đó chị Kha Thị Hoa mới làm trưởng bản được hơn một năm, thấy con đường dẫn vào khu sản xuất của người dân chật hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển nông sản, chị cùng ban quản lý bản đã trực tiếp đến vận động gia đình ông Lô Minh Toán, đảng viên 36 năm tuổi Đảng, nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân xã hiến đất có bìa đỏ, lùi vườn vào 1m để mở rộng đường vào khu sản xuất.

Đến năm 2023, chị tiếp tục vận động nhân dân toàn bản ra quân làm đường vào khu sản xuất với tổng chiều dài hơn 50m. Nhờ vậy việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân Piêng Mựn thuận lợi hơn rất nhiều. Ban quản lý bản còn phối hợp với chi hội nông dân vận động các gia đình có nhà dọc tuyến quốc lộ trồng hơn 100 gốc hoa trạng nguyên để làm đẹp cảnh quan, môi trường.

Trưởng bản Piêng Mựn Kha Thị Hoa (áo đỏ) và cán bộ xã Mai Sơn trò chuyện với ông Lô Minh Toán (thứ 4 trái sang) - người gương mẫu hiến đất có bìa đỏ để mở rộng đường vào khu sản xuất.
Trưởng bản Piêng Mựn Kha Thị Hoa (áo đỏ) và cán bộ xã Mai Sơn trò chuyện với ông Lô Minh Toán (thứ 4 trái sang) – người gương mẫu hiến đất có bìa đỏ để mở rộng đường vào khu sản xuất.

Bản Piêng Mựn có 52 hộ, 227 khẩu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con, chi bộ, ban quản lý bản đã vận động nhân dân tập trung khai thác thuỷ sản lòng hồ, trồng lúa, sắn, chăn nuôi trâu bò, lợn đen, trồng chuối lấy lá, củ đậu, dứa… Trong đó gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu như mô hình chăn nuôi dê 50 con, nuôi lợn đen của đảng viên Lô Văn Nghĩa. Các gia đình Trưởng bản Kha Thị Hoa, Bí thư Chi bộ Kha Văn Dũng cũng là hộ có kinh tế khá trong bản.

Năm 2023, toàn bản trồng 4,4 ha lúa rẫy; 1,5 ha lúa nước, 2 ha cây dược liệu, 8ha ngô, 4ha sắn, 2,5ha rau đậu các loại, 5ha dứa, 1 ha gừng; tổng đàn trâu 82 con, đàn bò 158 con, đàn lợn 155 con, đàn gia cầm 1.150 con.

Trưởng bản Piêng Mựn Kha Thị Hoa trò chuyện với người dân (ảnh trên); vận động bà con đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ.
Trưởng bản Piêng Mựn Kha Thị Hoa trò chuyện với người dân (ảnh trên); vận động bà con đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ.

Nắm rõ khó khăn đối với người dân trong sản xuất nông nghiệp vẫn là đầu ra cho sản phẩm, Trưởng bản Kha Thị Hoa cùng với chị Bùi Thị Lan – Phó Chủ tịch HĐND xã Mai Sơn phụ trách bản Piêng Mựn đã hướng dẫn hội viên chi hội phụ nữ, chi hội nông dân tích cực quảng bá nông sản trên kênh Zalo, Facebook, khi có những đơn hàng lớn thì gom lại giúp dân tiêu thụ, gửi xe về xuôi. Nhất là vào mùa mướp đắng rừng – loại cây mọc tự nhiên dọc bờ sông Nậm Nơn trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8, nước rút đến đâu, cây mọc đến đó.

“Trước đây, mướp đắng rừng là loại quả dại được người dân lấy về sử dụng làm thức ăn hoặc sấy khô nấu nước uống vì có dược tính cao, rất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Vài năm trở lại đây do tích cực quảng bá giới thiệu trên mạng xã hội nên nhiều người biết và đặt mua, từ đó mang lại thu nhập, tạo công ăn việc làm thời vụ cho người dân trong bản. Năm đầu 2021, toàn bản bán được 40 triệu đồng tiền mướp đắng, năm 2022 tăng lên 70 triệu đồng và năm 2023 được 100 triệu đồng, nhà nào siêng đi hái ngày cũng có thêm thu nhập từ 500 – 600 nghìn đồng từ mướp đắng”, chị Kha Thị Hoa cho hay.

Người dân bản Piêng Mựn đi thu hoạch mướp đắng mọc tự nhiên; Sản phẩm mướp đắng rừng Mai Sơn được sấy khô, đóng gói bao bì nhãn mác.
Người dân bản Piêng Mựn đi thu hoạch mướp đắng mọc tự nhiên; Sản phẩm mướp đắng rừng Mai Sơn được sấy khô, đóng gói bao bì nhãn mác.

“Thấy cây mướp đắng cho giá trị kinh tế cao, Trưởng bản còn vận động nhân dân đưa cây mướp đắng về trồng thử nghiệm tại vườn, đồng thời khoanh nuôi bảo vệ diện tích sẵn có trong tự nhiên để thu hoạch tăng thu nhập cho nhân dân. Năm nay, riêng nhà trưởng bản cũng được tầm 10 triệu đồng tiền mướp đắng đấy”, chị Bùi Thị Lan – Phó Chủ tịch HĐND xã Mai Sơn cho biết thêm.

Điều khiến người dân Piêng Mựn tin, mến nữ Trưởng bản Kha Thị Hoa là sự quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.Với tâm niệm “việc gì có lợi cho dân, gắng sức làm”, chị vận động người dân trong bản, nhất là chi hội phụ nữ, chi hội nông dân giúp đỡ các gia đình neo đơn, ốm đau làm cỏ rẫy, thu hoạch nông sản, lấy củi. Ví như trường hợp bà Vi Thị Thù (SN 1958) bị tai biến, đi lại vận động hạn chế đã được người dân trong bản đùm bọc, sẻ chia. Hay thời điểm dịch Covid-19 đang ở giai đoạn căng thẳng, dù khó khăn nhưng Trưởng bản Kha Thị Hoa và các chi hội đoàn thể bản Piêng Mựn đã vận động người dân góp 1 tấn rau củ gửi qua một Hội thiện nguyện ở thành phố Vinh để hỗ trợ các trường hợp cách ly.

Trưởng bản Kha Thị Hoa kiểm tra mô hình đoạn đường xanh - sạch - đẹp của Chi hội Nông dân bản Piêng Mựn.
Trưởng bản Kha Thị Hoa kiểm tra mô hình đoạn đường xanh – sạch – đẹp của Chi hội Nông dân bản Piêng Mựn.

Vốn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ nên Trưởng bản Kha Thị Hoa cũng rất quan tâm đến phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa; thay đổi các phong tục lạc hậu, đổi mới việc cưới, việc tang, duy trì phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, đặc biệt là hoạt động của câu lạc bộ dân ca, dân vũ, qua đó gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Công tác vệ sinh môi trường cũng được chị Kha Thị Hoa và ban quản lý bản Piêng Mựn quan tâm, chỉ đạo thông qua vai trò nòng cốt của Chi hội phụ nữ và Chi đoàn thanh niên. Trong năm 2023, Ban quản lý bản Piêng Mựn đã tổ chức kiểm tra công tác vệ sinh môi trường trong phạm vi toàn bản, qua đó nhắc nhở, hướng dẫn 22 hộ vi phạm các tiêu chí về môi trường khắc phục tồn tại, bất cập để giữ gìn vệ sinh chung.

Cùng đi với chúng tôi xuống địa bàn, Trưởng Công an xã Mai Sơn Và Bá Câu cho biết: Piêng Mựn cũng là bản rất nỗ lực trong công tác xây dựng “bản sạch ma túy”. Trong hồi ức của những người già trong bản cho hay: Nhiều năm về trước, Piêng Mựn có số người nghiện khá cao, có cả người buôn bán nhỏ do địa hình giáp ranh với nước bạn Lào (khoảng 2 km) và giáp ranh với huyện Kỳ Sơn. Hiện tại, Piêng Mựn đã sạch bóng ma túy, một số ít người nghiện trong bản đã được đưa đi cai nghiện tại cộng đồng, người dân ý thức cao trong việc xây dựng bản sạch ma túy.

Người dân bản Piêng Mựn biểu diễn văn nghệ trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc.
Người dân bản Piêng Mựn biểu diễn văn nghệ trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc.

Qua câu chuyện với Phó Bí thư Đảng uỷ xã Mai Sơn Lô Văn Điện, chúng tôi còn được biết thêm một chi tiết thú vị: Trưởng bản Kha Thị Hoa và Bí thư Chi bộ Kha Văn Dũng là hai chị em ruột. Đây cũng là truyền thống độc đáo của bản người Thái này, bởi trước đó Piêng Mựn cũng có một cặp anh em ruột làm lãnh đạo bản rất được tín nhiệm. Đó là ông Kha Trung Tiến nguyên Bí thư Chi bộ và em ruột là Kha Xón Phon nguyên Trưởng bản.

“Hiện tại, Bí thư chi bộ và Trưởng bản cũng là chị em ruột nhưng đoàn kết, công tâm, trách nhiệm với việc dân, việc bản và đều là những người tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Chi bộ Piêng Mựn hiện có 13 đảng viên, năm vừa rồi mới kết nạp được 1 đảng viên nữ là chị Kha Thị Hương, sinh năm 1994. Trong năm 2023, Ban quản lý bản Piêng Mựn được xếp loại xuất sắc, Trưởng bản Kha Thị Hoa được xếp loại đảng viên xuất sắc tiêu biểu”, ông Lô Văn Điện chia sẻ.

Phóng viên Báo Nghệ An trò chuyện với Bí thư Chi bộ bản Piêng Mựn Kha Văn Dũng.
Phóng viên Báo Nghệ An trò chuyện với Bí thư Chi bộ bản Piêng Mựn Kha Văn Dũng.

Tạm biệt Piêng Mựn khi đã quá trưa, đi dọc con đường với những khóm hoa trạng nguyên đỏ rực đung đưa theo gió, rạng rỡ dưới ánh nắng mặt trời, Trưởng bản Kha Thị Hoa tiễn chúng tôi đến tận đầu bản, rồi dặn với theo: Vào mùa dứa chín, mời các chị về thăm khu sản xuất của người dân Piêng Mựn, thưởng thức dứa trồng trên đất của bản, mang hương vị riêng ngọt và thơm lắm!

Nói rồi, “thủ lĩnh” bản Piêng Mựn lại thoăn thoắt bước chân quay về sắp xếp công việc, chuẩn bị họp dân triển khai kế hoạch làm mái tôn ở khu vực sân vận động để phục vụ các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, vui Xuân, đón Tết. “Làm thế nào để cuộc sống người dân ngày càng thay đổi, bản làng ngày càng khởi sắc…”, đó luôn là nỗi trăn trở và là tâm niệm lớn nhất của nữ Trưởng bản người dân tộc Thái duy nhất ở xã biên giới xa xôi, còn nhiều khó khăn này…

  • Nội dung: Khánh Ly
  • Ảnh: Khánh Ly – Quỳnh An – Đình Tuân
  • Thiết kế – Kỹ thuật: Thục Linh
    • Theo Báo Nghệ An

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết khác