Hoạt động

Người không mang nhiệm vụ

SGGP – “Quang tới chưa?”, “Quang có ghé đây không?”, “Quang ra đền rồi à?”… Ai cũng hỏi Quang. Họ là cựu chiến binh, giáo viên, doanh nhân, nhà báo, cựu quan chức… đến từ mọi miền trong dịp khánh thành Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn, trọng điểm Cà Roòng – ATP, tháng 7-2022. Cái tên “Quang”, đầy đủ là Nguyễn Đức Quang, đã trở thành một gạch nối. 

Ông Nguyễn Đức Quang thắp hương cho đồng đội hy sinh ở Trường Sơn. Ảnh: ĐỖ QUỐC VIỆT

Hành trình trả nghĩa từ cuộc trở về 

Có nhiều cách để người ta nhớ về ông Nguyễn Đức Quang – Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt. Ông có thể là “người xây đền” – với 4 ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ đã được xây lên, trong đó có 2 ngôi đền xây giữa thăm thẳm biên cương. Ông là “người xây nhà”, với hơn 1.500 căn nhà tình nghĩa đã được trao cho gia đình liệt sĩ, cựu chiến sĩ, người nghèo ở biên giới. Hay ông cũng là một “người xây cầu”, với hơn 300 cây cầu nông thôn bắc qua những bờ sông thôn quê còn khuất nẻo…

Nhưng trong mọi thành quả đó, ông chỉ nhận “tôi cũng chỉ là người kết nối”. Rất khó để dẫn dắt ông nói vào chi tiết một trải nghiệm nào đó của mình. Ông chỉ nói khái quát. Trong cái nhạy cảm nhỏ nhoi của người viết, tôi biết mình đang đối diện một nguồn tư liệu sống đồ sộ. Chỉ cần một ngôi nhà tình nghĩa trong số hàng ngàn công trình lớn nhỏ kia thôi, đã có thể có một câu chuyện gây rung động. Nhưng dường như, kể thật kỹ một tiểu tiết là điều bất khả với một người đã ăm ắp những hành trình. 

– Bắt đầu từ đâu mà ông đi khắp nơi để khảo sát, kết nối, rồi thực hiện các công trình tình nghĩa?

– Từ năm 2009, khi tôi cùng anh em ở Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) trở lại Trường Sơn.

Lần ấy, cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn. Mang trong mình ký ức của một cựu binh đã hành quân qua Trường Sơn, tháng 3-2009, ông đề xuất với Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển, đưa vài phóng viên về lại Trường Sơn. Trong chuyến đi này, ông là người “dẫn đường”. 

Trường Sơn với con đường mòn huyền thoại từng gánh trong nó cả một xã hội gồm đầy đủ các quân binh chủng, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến, phụ nữ, trẻ em, nhà cửa, kho tàng, trạm xá, trại tăng gia… Đã gần 4 thập niên rời chiến trường, ông Nguyễn Đức Quang không thể nhớ nổi từng địa điểm, nhưng hy vọng “quán tính” của người lính sẽ chỉ dẫn ít nhiều. Chẳng ngờ, ký ức lẫn quán tính đều thua cuộc trước sự tàn phá của thời gian và con người. Trường Sơn thâm nghiêm gần như biến mất, chỉ còn lác đác những cụm rừng thứ sinh nằm cô đơn giữa những nông trường cao su bạt ngàn, những khoảnh đất trống đồi trọc và những con đường dân sinh ít ỏi. 

Chuyến ấy, ông cùng đồng nghiệp đi cả Đông lẫn Tây Trường Sơn, tìm gặp các nhân chứng lịch sử, những trưởng bản, già làng ở cả đất Việt lẫn đất Lào, để ghi lại những gì còn có thể. Về TPHCM, ông tổ chức loạt bài Trở lại Trường Sơn huyền thoại đăng trên Báo SGGP. Loạt bài gây được tiếng vang. Công chúng được biết đến một Trường Sơn chi tiết, máu thịt, nước mắt và đời thường một cách kỳ lạ bên trong một cái tên đang được xướng lên trong những chương trình kỷ niệm 50 năm.

Hoàn thành chuyến trở lại Trường Sơn, nhà báo Nguyễn Đức Quang lại bày tỏ băn khoăn với Tổng biên tập: Chẳng lẽ cứ qua một đợt kỷ niệm là mọi chuyện lại rơi vào quên lãng? Liệu 10-20 năm sau, Trường Sơn có còn lại dấu tích gì để người ta tìm đến? Vậy là ông trình bày 2 việc có thể làm: Xây nhà tình nghĩa cho những người nghèo đã hoặc đang gắn bó, cống hiến cho Trường Sơn và xây đền để vừa có chỗ thờ phụng các liệt sĩ đã hy sinh ở Trường Sơn, vừa là nơi ghi dấu cho các thế hệ mai sau biết đến Trường Sơn từng là một chiến trường vô cùng khốc liệt. Tổng Biên tập Báo SGGP lại gật đầu. Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn ra đời!

Dù vậy, dự định đó vẫn rất xa vời với một tờ báo địa phương, nên khả thi nhất là kết nối, vận động các nguồn lực xã hội. Đứng sau chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, ông Quang đã trực tiếp huy động, khảo sát, hoàn tất thủ tục xây đền tại bến phà Long Đại (Quảng Bình), tại Bến Tắt – thượng nguồn sông Bến Hải, bên cạnh Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị), tại Ngã ba biên giới (thuộc huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) và cả ngàn căn nhà tình nghĩa. 

Năm 2013, ông Nguyễn Đức Quang nghỉ hưu. Năm 2014, ông được mời làm Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt. Chỉ sau 2 năm tạp chí ra đời, ông lại tiếp tục hành trình trả nghĩa, xây hàng trăm cây cầu nông thôn biên giới. Tháng 7-2022, ông hoàn tất ước nguyện xây ngôi đền thứ 4 – ngôi đền trên đỉnh Trường Sơn và cũng là nơi tận cùng biên giới – Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn, trọng điểm Cà Roòng – ATP.

Vùng có thể của “người kết nối”

Đến văn phòng Tạp chí Nông thôn Việt đầu tháng 8-2022, tôi vô tình chứng kiến cuộc bàn bạc chóng vánh giữa ông và 2 vị khách, về việc thành lập hội đồng hương. Khách về, tôi trêu ông “nhiều năng lượng như sinh viên”. Bởi kẻ tha hương đến năm thứ 10 như tôi thôi đã hết thiết tha chuyện hội hè quê xứ, huống hồ ông đã hơn 50 năm xa quê, lại trăm công ngàn việc.

Ông chợt hỏi: “Theo em, vì sao người ta muốn lập hội đồng hương?”.

Tôi “nhây”: “Vì muốn có nơi chia sẻ niềm tự hào là… đồng hương”.

Ông bật cười. Rồi trở về với giọng trầm quen thuộc: “Những người tha hương, trong sâu thẳm, luôn có cảm giác cô đơn, luôn muốn được “thuộc về”, được có một “điểm tựa”, dù chỉ là tinh thần”. 

Hình như ý nghĩ này là “tử huyệt” cuộc đời cầm bút của ông, nên có lẽ những linh hồn không nơi nương tựa chốn đại ngàn mịt mù năm nào đã gợi cho ông khởi phát “chuyến xe” Nghĩa tình Trường Sơn, hay là chính ông đã  kết nối vô hình với họ, để chờ đến lúc được gọi tên? Từ ánh mắt đứa trẻ trong như nước suối ở những bản làng heo hút giữa Trường Sơn, đến cái níu của người già khi qua cây cầu khỉ miền Tây, đến cái nhìn muốn khóc vì thèm chỗ khói hương cho đồng đội chốn nghìn trùng… Tất cả hợp thành những hành trình không mỏi. Vậy nên, cả đời ông miệt mài kết nối. Ông tự đi khảo sát, chọn vị trí, bàn với chính quyền địa phương và tham khảo kinh nghiệm của giới chuyên môn.

Khi ông đến Pailin – một điểm của xã vùng sâu vùng xa A Vao (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) khảo sát địa điểm xây dựng trạm xá, Chỉ huy Đồn biên phòng A Vao ngại ngần: “Pailin có 3 bản nằm biệt lập, từ UBND xã đi vào phải 30-40km, nhưng xe không đi được”.

Ông quyết: “Ô tô không đi được thì đi xe máy, xe máy đi không được thì đi bộ! Sao không đi được?”. Thế nên mới có Trạm xá Pailin ra đời. Biết bao bộn bề gian nan, thử thách, nhưng ông vẫn quen khái quát bằng một câu nói như đùa: “Không gì là không thể!”. 

“Vùng có thể” của ông Nguyễn Đức Quang dường như vô tận, nên những cuộc lao đi không ngừng đó không còn khoảng trống cho bất kỳ một suy tư nào về lẽ thiệt hơn mỗi khi chạm vào những điều vô lý. Đất nước đâu thiếu nguồn lực, đâu thiếu người giàu. Đất nước đầy ắp sự dũng cảm, lòng hào hiệp và tinh thần cho đi. Nhưng trong mọi cuộc bàn thảo từ vĩ mô đến vi mô, người ta vẫn nói về thử thách mang tên thiếu sự kết nối. Thử nhìn lại, ta dễ thấy mình luôn đứng về một bên nào đó. Ta cũng tự phân tán. Trong khi chính sự kết nối mới là sức mạnh để biến nguồn lực thành vô tận. 

Có người lính lòng hiền như đất

Tôi nhớ thơ ai đó: Có người lính lòng hiền như đất. Hình như chỉ có nông dân và những người lính sinh tử ở đất nước này. Đất với họ đâu chỉ là chỗ đến và đi, rồi mất. Mà như ông Quang, cái nhìn hậu chiến sau cuộc hành trình dài đã găm xuống đất, tìm đọc ở đó lời của cát đá mang gương mặt nông dân, nông thôn với bao góc cạnh mà gom lại, nói như Nguyễn Huy Thiệp là một chữ “Thương”. 

Đó là câu chuyện trong buổi chiều ngồi ở văn phòng trên cao nhìn ra đại lộ Võ Văn Kiệt, khi bàn về việc cải tiến nội dung tờ Tạp chí Nông thôn Việt, toàn những ưu tư về cơ hội và chỗ dựa cho nông dân, nông thôn. Ông nói: “Bảo vệ giá trị của nông thôn nhưng đừng sa vào tư duy nguyên trạng. Bởi nguyên trạng là nghèo. Mà nông dân thì luôn muốn thoát nghèo. Việc giữ gìn không đúng cách là ích kỷ, không hướng về nông dân…”.

Cái chữ “Thương” ấy càng ray rứt hơn khi ông nói về việc xây dựng đền thờ ở Quảng Trị: “Đến Quảng Trị, tôi muốn được xây một ngôi đền ở Khe Sanh. Trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968 có rất nhiều người hy sinh và nếu xây đền ở đó sẽ an ủi được anh linh của những người đã khuất. Kẻ đang đứng trên đất, hay nằm dưới đất kia, gần 50 năm hòa bình rồi, họ ngang nhau ở tư thế đồng bào, mọi sắc màu trên người còn có ý nghĩa gì?”.

Giấc mơ hòa hợp chảy trong máu của người từng cầm súng, mạnh hơn đường đạn và có màu đỏ của cảm thông và yêu thương tha thiết. Biết bao giờ, đến khi nào, tay người lại run lên với nén nhang tâm thành, đường hoàng đứng ở Khe Sanh, hay bất kỳ nơi nào trên dải đất này, vỗ về cho bao linh hồn để họ tất thảy đều được đưa tiễn!

Việc tất tả trả nghĩa cho Trường Sơn đâu phải là việc của một nhà báo? Nỗi đau đáu về đồng bào vùng biên hay những vùng nông thôn khuất nẻo phải đâu là chuyện của một cựu binh?… Không một vai trò hay góc nhìn đơn lẻ nào có thể lý giải việc mà ông đã và đang làm. Đó chỉ có thể là thôi thúc của một con người với những gì mình đã biết và hiểu, cộng với một niềm tin “không gì là không thể”. Nên ông mải miết đi, mải miết dự phần vào những ưu tư của những người Việt ở đâu đó, kết nối và không ngừng hóa giải chúng.

***
Bữa khánh thành đền tưởng niệm ở Cà Ròong –ATP, khi những ồn ào vừa dứt, tôi thấy ông lần nữa quay về hướng núi, phóng cái nhìn lên vệt xanh mờ xa tít phía bên kia biên giới, lơ đễnh mà như nghẹn. Bao bão giông chợt thoát đi trong mắt nhưng lại như muốn dâng lên. Không biết tôi có vận vào không, chứ một ý nghĩ chợt khẽ đập, rằng cái nhìn kia vẫn vướng vít đâu đó, nghĩa là cuộc bộ hành của cựu binh 70 tuổi này, vẫn chưa dừng lại…

MINH NGUYỄN

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết khác