(LĐXH) – Tối 10/3/2023, tại TP. Buôn Ma Thuột, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã chính thức khai mạc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đến dự và phát biểu chỉ đạo buổi lễ. Tham dự lễ khai mạc còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện Lãnh sứ quán, Đại sứ quán cùng các đoàn khách quốc tế và hàng nghìn du khách, bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.
Với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra từ ngày 10/3-14/3/2023 là một sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Bên cạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê, trong chương trình của Lễ hội còn diễn ra Hội nghị kết nối giao thương quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là sự kết nối thành công, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Đắk Lắk có diện tích cà phê hơn 200.000 ha và sản lượng thu hoạch hằng năm đạt trên 500.000 tấn, được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Phạm Ngọc Nghị – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lễ hội nhấn mạnh: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với nhiều kỳ vọng mới, là niềm tin, cũng là khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục phát huy tiềm năng, nội lực, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ để xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; tạo động lực mạnh mẽ phát triển tỉnh Đắk Lắk cùng các tỉnh Tây Nguyên sánh bước với cả nước trên con đường phát triển… theo tinh thần Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị bày tỏ hy vọng, trong những ngày tham dự Lễ hội, các đại biểu, du khách sẽ có những phút giây trải nghiệm thú vị, được đắm mình trong hương sắc cà phê, hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo trong thời khắc đẹp nhất của tháng 3 Tây Nguyên. Tỉnh Đắk Lắk luôn sẵn sàng “kết duyên lành” với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để những ý tưởng, dự án đầu tư sớm trở thành hiện thực trên vùng đất bazan chan chứa tình người.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, được Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà phê của thế giới”. Đây vừa là cơ hội và cũng là điều kiện thuận lợi mà Đảng, Nhà nước dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong muốn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tăng cường đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, tận dụng các tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của khu vực Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững ngành cà phê, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành cà phê; thực hiện hiệu quả kế hoạch tái canh cây cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo quản, chế biến sâu và thị trường tiêu thụ; làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững, gắn với phát triển văn hóa, du lịch; đẩy mạnh và khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu cần được chú trọng, quan tâm. Phải xây dựng chiến lược quảng bá, maketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của tỉnh, chú trọng xúc tiến, hình thành các mối quan hệ chặt chẽ, bền vững giữa các doanh nghiệp, HTX và người trồng cà phê… Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo chuẩn quốc tế… để nâng tầm giá trị của nông sản Việt Nam cũng như nâng cao đời sống của người dân trồng cà phê.
Thu Hà