(LĐXH) – Ngày 17/9/2022, Liên đoàn Lao động (ĐLĐL) TP. HCM và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã tổng kết và trao giải Hội thi Bàn tay vàng nghề điện tử công nghiệp cấp TP.HCM năm 2022.
Hội thi Bàn tay vàng cấp thành phố ngành điện tử công nghiệp năm 2022 được tiến hành trong ngày 28/8/2022, thu hút 43 đoàn viên công đoàn là công nhân lao động đang công tác tại các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn TP.HCM tham dự tranh tài. Các thí sinh trải qua 3 phần thi: trắc nghiệm về kiến thức Luật lao động, kiến thức chuyên ngành điện tử công nghiệp và thực hành.
Kết quả, 2 giải Bàn tay vàng được trao cho thí sinh: Nguyễn Minh Thuận (Công ty thang máy Thiên Nam thuộc LĐLĐ quận Tân Bình) và thí sinh Nguyễn Thị Kim Tâm, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật và Công nghệ cao Sài Gòn, thuộc Công đoàn Viên chức), mỗi thí sinh được nhận cúp và 10 triệu đồng; Các giải thưởng còn lại bao gồm: 2 giải nhất, mỗi giải 5 triệu đồng; 2 giải nhì, mỗi giải 4 triệu đồng; 4 giải 3, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và 16 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng. Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng quyết định cấp chứng chỉ nâng bậc thợ cho 31/37 thí sinh tham dự nâng bậc thợ.
Trước khi tham dự, ban tổ chức đã tổ chức cho các thí sinh được ôn luyện lý thuyết trong 3 tuần để nắm vững kiến thức, vận dụng tốt nhất nội dung lý thuyết vào thực hành. Hội thi là cơ hội để bồi dưỡng, đào tạo thêm nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành trọng điểm của thành phố, đặc biệt là ngành điện tử công nghiệp; tạo thêm phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo từ các cấp công đoàn. Từ kết quả hội thi, ban tổ chức cũng đề nghị các ngành chức năng xác định lại bậc thợ cho công nhân ngành điện tử công nghiệp để hưởng bậc lương cao hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM chúc mừng 2 Bàn tay vàng ngành điện tử công nghiệp năm nay và chúc mừng cho tất cả thí sinh tham gia dự hội thi.
Ông Tâm cho biết, sau hội thi này, LĐLĐ Thành phố sẽ tiếp tục triển khai và đẩy mạnh hơn nữa phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề. Cuộc thi còn mang tính trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với người lao động, bởi đây là dịp để chăm lo để nâng cao tay nghề và kỹ năng làm việc cho người lao động, và đây cũng là quyền lợi của người lao động, của đoàn viên khi tham gia hội thi để được có cơ hội nâng bậc thợ, nâng lương và sẽ có cơ hội sẽ thăng tiến.
“Các thí sinh đạt kết quả cao trong hội thi sẽ được ban tổ chức xác lập danh hiệu “Bàn Tay Vàng cấp thành phố”, từ đó phối hợp với doanh nghiệp nâng bậc lương cho người lao động, khuyến khích người lao động có thêm động lực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của mình nhiều hơn. Kết quả này cũng giúp doanh nghiệp có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, có chế độ chính sách tốt giữ chân người lao động cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn giai đoạn hậu Covid-19 cùng Thành phố khôi phục và phát triển sản xuất.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM đề nghị, ban thường vụ công đoàn cấp trên cơ sở xét khen thưởng cho các thí sinh tuy không đạt giải, nhưng có thành tích cao trong hội thi, nhằm động viên và nhân rộng phong trào thi đua ôn luyện tay nghề, thi thợ giỏi trong công nhân, lao động. Ban giám đốc các công ty, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo cho người lao động bằng những biện pháp thiết thực, điển hình như: mở các lớp học bồi dưỡng bổ sung các kỹ năng, kiến thức chuyên môn mới hoặc ban hành quy chế về đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho công nhân lao động tại doanh nghiệp nâng lương xác định lại bậc lương cho đoàn viên, người lao động nâng cao trình độ, được công nhận bậc thợ để động viên người lao động gắn bó đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững. Ban chấp hành công đoàn cơ sở cần nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng các phong trào thu đua do tổ chức Công đoàn phát động, trọng tâm là phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề “thi thợ giỏi” ở đơn vị, doanh nghiệp mình; thông qua đó lựa chọn những công nhân ưu tú tham gia giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Trương Đăng