Trầm tích Lam Giang
NDO – Nói về các sông lớn nhất Nghệ An, người ta nghĩ ngay đến dòng Lam. Đã nhiều đời nay sông Lam vẫn thao thiết, miệt mài chở phù sa bồi đắp bãi bờ của bao làng quê yêu dấu. Không chỉ cung cấp nguồn sống cho người dân, dòng Lam Giang còn là nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử và nuôi dưỡng, hình thành cốt cách, tâm hồn con người xứ Nghệ.
Dòng chảy của lịch sử
Nếu tính từ thượng nguồn, hàng vạn năm qua sông Lam được hợp lực nguồn nước và phù sa từ nhiều nhánh sông, khe suối. Ngoài Nậm Nơn, Nậm Mộ còn có Khe Huổi Nguyên, Khe Choăng, Khe Thơi, sông Giăng, sông Con… Ở cuối nguồn có thêm dòng sông La, Ngàn Trươi, Ngàn Phố trên tỉnh bạn Hà Tĩnh… hòa vào tưới cho bát ngát ruộng lúa, nương dâu, bãi ngô,… thẳng cánh cò bay, làm đẹp các vùng bản người Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, Đan Lai đầu vùng thượng du và làng mạc của người Kinh ở hạ du.
Tại huyện Con Cuông, trên vách núi đá vôi cạnh sông Lam đối diện Thành Nam, thuộc xã Chi Khê vẫn còn tấm bia của Nguyễn Trung Ngạn khắc năm 1335 (Ma Nhai kỷ công bi văn) thường gọi là Bia Ma Nhai. Nội dung ca ngợi uy thế của triều đình nhà Trần và công lao của Thượng hoàng Trần Minh Tông và quân sĩ nhà Trần trong việc đánh đuổi giặc Ai Lao. Đây còn là một di chỉ khảo cổ học (di chỉ Đồi Đền), các nhà nghiên cứu đã khai quật và phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị. Những hiện vật khai quật tại Đồi Đền được xác định có niên đại gần 4.000 năm, thuộc nền văn hóa Phùng Nguyên.
Ngay đoạn đầu trung tâm phố núi, mùa nước cạn nổi lên những khối đá lớn như những lưng voi, tương truyền xưa gọi đây là “Bãi Voi phục”. Và bên tả ngạn sông Lam là núi Thành Nam, nơi “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” được biết đến trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, ghi dấu chiến tích oanh liệt thời chống quân xâm lược nhà Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Thành Trà Lân bây giờ hoang phế nằm phía tây bắc tả ngạn sông Lam, cách huyện lỵ Con Cuông hơn 2km. Thành được xây dựng theo hình chữ V, lưng tựa vào núi, mặt quay ra sông Lam, chung quanh có thành quách, hào sâu yểm trợ, ngoài cùng là một lũy tre gai và cả nhiều ngọn núi của động Đào Nguyên hiểm trở bảo vệ thành thêm vững chắc. Theo sách sử ghi, sức chứa của thành hàng nghìn quân sĩ bảo vệ, chốt chặn tuyến quốc lộ 7A và giao thông đường thủy sông Cả, trấn giữ vùng miền tây Nghệ An.
Xuôi về Anh Sơn, dòng phù sa từ thượng nguồn sông Lam đã bồi đắp nên những bãi ngô, mía “mướt dài bãi quê”. Ngày trước khi chưa cơ giới hóa, những bãi phù sa ven sông Lam ở huyện Anh Sơn được chia cho người dân canh tác. Đất bãi phù sa trải mênh mông, sáng mới đi một đường đánh trâu ra đến cuối bãi đã mãn buổi phải mở ách nghỉ. Nhờ có hàng trăm héc-ta bãi bồi phù sa sông Lam đã tạo cho Anh Sơn những làng quê có bãi ngô xanh mướt nuôi nấng đội quân “Xích vệ đỏ” xưa vùng lên đánh đuổi giặc thù và nuôi lớn bao người dân còn nghèo khó nơi đây.
Theo sử ghi, Cửa Hội, điểm kết thúc của dòng Lam là một vùng đất thiêng thuộc phủ Vĩnh Doanh, chính là tiền đồn phía đông nam của quốc gia Đại Việt. Vào thời Hậu Lê, Thái úy – Quận công Nguyễn Sư Hồi, con trai trưởng của Thái sư – Cương quốc công Nguyễn Xí, được phong làm Trấn thủ thập nhị hải môn, quản lý 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng, đã chọn vùng đất này lập đại bản doanh thủy quân. Có thể nói, Cửa Hội chính là vị trí tiền tiêu, địa bàn chiến lược để đối phó với những mối nguy đến từ phía biển. Trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dòng sông Lam cũng mang nặng những chiến công. Với những địa danh nổi tiếng một thời: Bến phà Đô Lương, đò Rộ (Thanh Chương), vạn Rú (Nam Đàn), cầu Bến Thủy (Vinh)… là những điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt, nhưng dòng Lam vẫn kiên cường cùng quân và dân ta chống lại kẻ thù. Mới đây, cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam đã hoàn thành nối đôi bờ Nghệ – Tĩnh càng tô điểm thêm vẻ đẹp cho dòng sông. Cũng ở cuối dòng, bờ bên kia là sông La nhập hòa vào sông Lam. Sông La có thể hiểu là hợp lưu của sông Ngàn Phố từ huyện Hương Sơn và sông Ngàn Sâu từ huyện Hương Khê và Vũ Quang hòa vào sông Cả tạo nên sông Lam chảy giữa hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nơi hợp lưu có bến Tam Soa, được mệnh danh là “miền gái đẹp”. Không chỉ vậy, vùng đất này còn là nơi sản sinh ra nhiều hiền tài.
“Sông Lam biết khi mô cho cạn…”!
Nếu sông Cầu vùng Kinh Bắc cho làn điệu quan họ, sông Hương cho cố đô Huế điệu Nam Ai, Nam Bằng và dòng Cửu Long giang cho vùng miền Tây Nam Bộ làn điệu ca cổ cải lương thì dòng Lam cho xứ Nghệ điệu hò ví, giặm. Người xứ Nghệ tự hào khi làn điệu dân ca quê hương được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Nhạc phẩm “Neo đậu bến quê” của cố nhạc sĩ An Thuyên là một trong những ca khúc đặc sắc về xứ Nghệ, về những kỷ niệm tuổi thơ gắn với dòng Lam. Những ca từ giản dị, giai điệu đậm chất dân ca: “Câu đò đưa thầm gọi, tôi ghé về tuổi thơ, người xưa đâu xa vắng, ai đưa tôi qua đò…; Sông Lam biết khi mô cho cạn, như tình quê hương trong tôi…” đã đưa ta trở về với dòng sông tuổi thơ. Có thể gọi sông Lam là dòng sông di sản, bởi dòng chảy không chỉ đơn thuần là địa lý mà hơn thế, đó chính là dòng chảy của lịch sử và của nền văn hóa xứ Nghệ bao đời nay.
Với xứ Nghệ, dòng sông hình thành nên phong tục tập quán, cách ứng xử, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo không thể trộn lẫn với nơi nào khác. Dòng sông đã chở biết bao số phận với nỗi nhọc nhằn, cay đắng, gian truân. Người ta đã trải nghiệm và đúc rút, bến sông, bãi chợ, thuyền bè trên sông Lam không chỉ là nơi giao lưu, gặp gỡ, gắn kết tình người mà còn là nơi sản sinh và nuôi dưỡng những làn điệu dân ca ví, giặm. Nguồn tài nguyên sông nước đã góp phần sinh ra nền văn minh canh tác lúa nước, trồng trọt, chài lưới và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Từ không gian đó đã sinh ra những làn điệu dân ca: Ở miền tây Nghệ An có làn điệu “Khắp liệp nặm”… của người Thái; và hò ví, giặm ở miền xuôi như: Ví đò đưa sông Lam, ví đò ngang, ví đò dọc…
Quy luật sông có bên bồi bên lở, lúc trong lúc đục nên người dân lấy đó làm hình ảnh so sánh với đời người: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/Mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh/Thuyền em lên thác xuống ghềnh/Nước non là nghĩa là tình ai ơi” (ví đò đưa sông Lam).
Sông đã trở thành suối nguồn vô tận, tươi trẻ cho cảm hứng sáng tác thi ca, nhạc, họa. Cảm hứng đó đã cho ra đời biết bao ca khúc xúc động về quê hương, về Đảng, Bác Hồ mang âm hưởng làn điệu dân ca ví, giặm. Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình. Đã là người xứ Nghệ, nhất là những người đang tha hương chắc hẳn không ai không biết tới thi phẩm “Khúc hát sông quê” của nhà thơ Lê Huy Mậu do nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc được nhiều người yêu thích, dù có “quá nửa đời phiêu dạt, ta lại về úp mặt vào sông quê; ôi con sông dạt dào như tình mẹ…”. Dòng Lam Giang không còn đơn thuần là một dòng sông, mà còn là dòng “trầm tích” văn hóa như tâm tình của người xứ Nghệ: “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây, Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình…”…
Hai nhánh đầu nguồn tạo thành sông Cả (sông Lam) là Nậm Nơn bắt nguồn từ tỉnh Hủa Phăn và Nậm Mộ từ tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) rồi chảy qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và các huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ. Tổng chiều dài sông Lam đoạn chảy trong nội địa Việt Nam khoảng 361km. Diện tích lưu vực là 27.200km², trong số đó 17.730km² thuộc Việt Nam. Tính trung bình của cả triền sông, sông Lam nằm ở cao độ 294m, độ dốc trung bình 18,3%. Mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 11 (mùa mưa), góp khoảng 74-80% tổng lượng nước cả năm.
https://nhandan.vn/tram-tich-lam-giang-post713210.html
(Theo Minh Thư – Thời Nay ấn phẩm của Báo Nhân dân Điện tử)