(Baonghean.vn) – Biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến việc sản xuất lâm nghiệp của nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác. Điều này, đặt ra vấn đề về đa dạng hóa sản phẩm lâm nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và giảm nghèo bền vững.
Sáng 11/8, tại thành phố Vinh, Viện Phát triển kinh tế hợp tác phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Nghệ An tổ chức Hội thảo “Hợp tác xã và hộ lâm nghiệp nhỏ đa dạng hóa sản phẩm lâm nghiệp, giảm nghèo bền vững khu vực nông thôn ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Cường – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh hợp tác xã Việt Nam; Tiến sỹ Hồ Thanh Hà – đại diện tổ chức quốc tế FFD tại Việt Nam; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số hợp tác xã lâm nghiệp của các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế.
Theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại, cả nước có 181 hợp tác xã, 1 liên hiệp hợp tác xã, 320 tổ hợp tác lâm nghiệp, chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong tổng số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác về lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đang hoạt động. Kinh tế hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp hiện nay chậm phát triển, việc liên kết, hợp tác chưa được triển khai đồng bộ; quy mô nhỏ lẻ, vốn ít, doanh thu thấp, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao…
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến việc sản xuất lâm nghiệp của nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác. Điều này, đặt ra vấn đề về đa dạng hóa sản phẩm lâm nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và giảm nghèo bền vững.
Tại Nghệ An, toàn tỉnh có 132.500 hộ tham gia trồng, kinh doanh, bảo vệ rừng với diện tích rừng được giao là 240.000 ha; toàn tỉnh có 168 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hoặc có thành viên tham gia thực hiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến lâm nghiệp với tổng số thành viên là 32.160 người.
Thời gian qua, nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc, thiết bị, công nghệ trong trồng rừng, khai thác và chế biến, liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Điển hình như: Hợp tác xã Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Thanh Thủy (Thanh Chương); Hợp tác xã Hoành Anh (Quỳ Châu); Hợp tác xã Nông nghiệp và xây dựng Minh Thành…
Tuy nhiên, hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn: Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp còn có nhiều hạn chế; trình độ của cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế; trình độ thâm canh của thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rừng còn thấp (chỉ đạt 50-70 triệu đồng/ha/luận kỳ kinh doanh rừng); Việc tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp đối mặt với nhiều thách thức…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Châu – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Nghệ An đã đưa ra một số kiến nghị: Cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ các nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác vốn vay, vốn hỗ trợ; Xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa hợp tác xã, tổ hợp tác trong trồng rừng và kinh doanh lâm sản…
Đại diện các hợp tác xã trồng, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến rừng trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi đã trình bày các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn về vốn vay, về vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm lâm nghiệp; Vấn đề quy hoạch rừng; Đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các diễn giả trình bày các vấn đề: Chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2050; Biến đổi khí hậu và đa dạng hóa sản phẩm lâm nghiệp; Kinh nghiệm tư vấn phát triển hợp tác xã lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Kinh nghiệm hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế nông, lâm, nghiệp; Kinh nghiệm hoạt động cung ứng dịch vụ phát triển rừng cho các thành viên hợp tác xã…
Thanh Phúc ( Báo Nghệ An)