Thanh Phúc
(Baonghean.vn) – Sau gần 3 tháng khai trương, đi vào vận hành, mỗi đêm hoạt động, phố đi bộ Vinh thu hút từ 15.000-20.000 người tham gia. Theo đánh giá ban đầu, phố đi bộ Vinh với nhiều hoạt động đặc trưng như: âm nhạc đường phố, dân vũ, các trò chơi dành cho giới trẻ… đang tạo nên sức hấp dẫn, cuốn hút riêng. Bên cạnh đó, những hoạt động kinh doanh trên phố đi bộ cũng đang được thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế đêm cho thành phố…
Những tín hiệu tích cực
Phố đi bộ đầu tiên của TP. Vinh được khai trương vào đêm 8/4/2022. Tuyến phố đi bộ kéo dài khoảng 1,5 km với 4 tuyến đường liên kết nhau. Trong đó, đoạn Hồ Tùng Mậu (từ Cầu Nại đến điểm đầu đường Nguyễn Trung Ngạn) dài 430 m; đoạn Nguyễn Văn Cừ (điểm đầu giao với đường Hồ Tùng Mậu, điểm cuối giao đường Lê Hồng Phong) dài 500m. Còn lại là đoạn đường Nguyễn Trung Ngạn (từ đầu ngõ số 2 đến điểm giao đường Nguyễn Văn Cừ) và đoạn Nguyễn Tài (điểm giao đường Hồ Tùng Mậu đến điểm giao đường Nguyễn Văn Cừ).
Việc lựa chọn 4 đường đi bộ nói trên đã liên kết khu vực trung tâm, tạo thành vòng tròn sôi động. Trên các tuyến này cũng có hàng trăm cơ sở kinh doanh ăn uống, thời trang, nghệ thuật, giải trí, giúp quảng bá ẩm thực vùng miền, gia tăng sức tiêu thụ hàng hóa…
Sau khai trương và vận hành thử nghiệm, mỗi tối hoạt động, phố đi bộ Vinh đã thu hút từ 15.000-20.000 người tham gia. Con số đó cho thấy sức hút của phố đi bộ, đây không chỉ đơn thuần là điểm vui chơi giải trí vào đêm cuối tuần của người dân thành phố mà còn là điểm đến hấp dẫn với du khách khi đến với thành phố Vinh.
Anh Nguyễn Hữu Thọ, đến từ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi cùng gia đình sang tham quan, trải nghiệm phố đi bộ 3 lần. Được dạo bộ thảnh thơi trên đường phố rộng rãi, ngắm thành phố về đêm, được trải nghiệm nhạc nước; được thưởng thức những vũ điệu của các tốp nhảy; các màn dân vũ sôi động, các trò chơi dân gian thú vị… Và có thể ăn vặt các món ăn đường phố: kem, chè, bánh…”.
Theo thống kê, hiện trên tuyến phố đi bộ có 89 hộ kinh doanh cố định trên vỉa hè, đường Nguyễn Tài; 120 hộ kinh doanh lưu động trên các tuyến đường (Trong đó, trò chơi: 21 hộ, giải khát: 70 hộ, đồ ăn nhanh: 29 hộ). Anh Nguyễn Bá, một tiểu thương kinh doanh kem khói Hàn Quốc trên tuyến phố đi bộ cho biết: “Những ngày thường thì tôi kinh doanh ở nhà, lượng khách ổn định và chủ yếu là khách quen. Khi thành phố đưa phố đi bộ vào vận hành, tôi đăng ký kinh doanh trên đường phố. Doanh thu 2 đêm cuối tuần cao hơn con số cả tuần tôi bán tại nhà. Khách đông, kem bán cho khách mang đi, không phải bàn ghế, điện nước, không phải phục vụ nên cũng khá thuận lợi”. Không riêng gì anh Bá mà theo nhận định chung của các hộ kinh doanh tại phố đi bộ đều cho biết, doanh thu tăng lên đáng kể.
Ông Hoàng Anh Tiến, Trưởng BQL phố đi bộ Vinh cho biết: “Tối thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần, phố đi bộ tấp nập người dân, du khách, nhất là giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Chưa có thống kê ban đầu về doanh số, về hiệu quả kinh doanh song có thể thấy, số lượng người đến phố đi bộ vào các tối cuối tuần đều đông”.
Khai thác hiệu quả kinh tế đêm
Trên thực tế, thành phố Vinh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đêm với hệ thống hạ tầng thương mại dịch vụ, du lịch, các hoạt động kinh tế ban đêm sẵn có như: ẩm thực đêm ở khu vực Thành cổ, đường Hồ Sỹ Dương; các điểm kinh doanh ăn uống, giải khát, vui chơi giải trí… Tuy nhiên, các tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Những tín hiệu bước đầu từ việc triển khai phố đi bộ Vinh, sự hoạt động trở lại của phố đêm Cao Thắng sẽ là động lực thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế đêm của địa phương phát triển.
Đây là hướng phát triển tích cực mà nhiều địa phương trong nước như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Cần Thơ, Quảng Bình, Ninh Bình… đã triển khai, khai thác rất hiệu quả. Hướng phát triển này cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thành phố là phát triển dịch vụ, thương mại… Bởi các dịch vụ kinh tế đêm sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ cho thành phố, nhất là thu thuế từ các dịch vụ, kinh doanh và thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn thử nghiệm, dù đã làm tốt việc thu hút người dân đến phố đi bộ, nhưng đây mới đơn thuần là không gian sinh hoạt cộng đồng chứ chưa khai thác hết tiềm năng về kinh tế, du lịch, văn hóa.
Nên tổ chức bài bản, tạo nét đặc trưng riêng ở từng tuyến phố. Các dịch vụ vui chơi giải trí, hàng hóa bày bán phải có sự chọn lọc, tránh sự trùng lặp và nhàm chán, đặc biệt là đảm bảo giá cả phù hợp, chất lượng tốt. Đồng thời, phải tạo ra những mô hình hấp dẫn để khách du lịch sẵn sàng “móc hầu bao” chi tiêu. Mặt khác, cần có các chính sách khích lệ, kèm theo quy chế quản lý chặt chẽ, kịp thời và phù hợp thực tế.
Theo đó, ban quản lý cần phối hợp với cơ quan chức năng, giám sát quá trình hoạt động kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên kết xây dựng sản phẩm, đưa ra cơ chế cạnh tranh, cam kết môi trường, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tự quản an ninh trật tự, không để phát sinh việc ép giá và tệ nạn, bạo lực. Đồng thời, chú trọng dịch vụ giao thông, vệ sinh môi trường và mạng lưới điện, nước ổn định và hệ thống xả, thoát nước thải… Mặt khác, cần thiết việc kêu gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào vận hành, khai thác hiệu quả kinh tế từ phố đi bộ, phố đêm Cao Thắng.
Bên cạnh đó, cần thiết có sự đồng hành của chính mỗi người dân theo hình thức xã hội hoá. Bởi phố đi bộ hoạt động mang lại đời sống tinh thần văn hoá cho người dân, đồng thời gắn liền với lợi ích người dân liên quan. Do đó, các hộ kinh doanh trên các tuyến phố và gian hàng cố định phải có ý thức, tư duy làm phong phú đa dạng mặt hàng kinh doanh nhằm phục vụ khách, thu hút khách đến với phố đi bộ, vừa là để mang lại lợi nhuận cho chính mình; Các cá nhân, tập thể, hội nhóm, câu lạc bộ tham gia biểu diễn cần có các hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, hấp dẫn.
Nhà nước đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, còn người dân bỏ kinh phí ra kinh doanh thu về lợi nhuận và những người tham dự trả kinh phí để được thụ hưởng. Có như vậy thì “Phố đêm thành Vinh” mới có sức sống lâu dài, ổn định, giúp thành phố có thêm điểm nhấn văn hoá thu hút du khách và khai thác hiệu quả kinh tế đêm.