(LĐXH) – Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm TP.HCM năm 2022, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM tổ chức, từ ngày 22/6 đến ngày 30/6/2022 đã chính thức khép lại bằng lễ bế mạng và trao thưởng tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM), chiều 1/7/2022.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Hồng Tây, Phó trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM; ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP.HCM; ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (Trưởng ban tổ chức cuộc thi) và lãnh đạo các cơ sở GDNN và các thí sinh tham dự cuộc thi.
Báo cáo tại lễ bế mạc, ông Đặng Minh Sự – Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (Phó Ban tổ chức cuộc thi) cho biết, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm năm 2022 do Sở LĐ-TB&XH Thành phố tổ chức đã tiếp nhận đăng ký tham gia của 42 thiết bị đào tạo tự làm do 139 tác giả, nhóm tác giả đến từ 17 cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố (gồm: 10 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 1 trung tâm dạy nghề). Sau khi phân loại, 42 thiết bị được chia thành 3 tiểu ban gồm: Tiểu ban Cơ khí – Công nghệ ô tô có 16 thiết bị dự thi. Tiểu ban Điện – Điện tử – Điện lạnh – Cơ điện tử với có 16 thiết bị và tiểu ban tổng hợp có 10 thiết bị.
Thành viên Hội đồng giám khảo Hội thi tham gia chấm thi là các phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên thuộc Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Bách khoa TP.HCM và những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên ngành. Một số thành viên của Hội đồng giám khảo Hội thi cấp Thành phố năm nay từng là thành viên Ban Giám khảo Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc những năm trước đây.
Các giám khảo đã tích cực hỗ trợ ban tổ chức trong quá trình chuẩn bị hội thi như phân loại thiết bị; bổ sung, xây dựng các tiêu chí đánh giá thiết bị dự thi. Đồng thời, ban giám khảo đã làm việc công tâm, khách quan, trong đánh giá những thiết bị xuất sắc nhất để đề xuất ban tổ chức trao giải và đại diện cho TP.HCM tham dự Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2022.
Về hồ sơ thuyết minh thiết bị đã có sự chuẩn bị cẩn thận, chu đáo theo đúng hướng dẫn của Ban tổ chức Hội thi. Các thiết bị dự thi đa dạng và phong phú với nhiều lĩnh vực ngành nghề trong đào tạo, cập nhật mới nhất tiến bộ của khoa học chuyên ngành. Qua đó nhận thấy sự đầu tư, chuẩn bị công phu của tác giả, nhóm tác giả và các cơ sở GDNN.
Ông Sự cho biết, chất lượng thiết bị tham gia dự thi năm nay tương đối đồng đều và có sự tiến bộ rõ rệt so với trước đây; các tác giả và nhóm tác giả đã định hướng thiết kế sản phẩm bám sát mục tiêu và chương trình đào tạo, chế tạo thiết bị đào tạo có ứng dụng đa chức năng, phục vụ hiệu quả không chỉ một mà có có thể nhiều mô-đun trong giảng dạy, học tập của giảng viên và học sinh sinh viên; đưa ứng dụng công nghệ mới nhất vào trong thiết kế sản phẩm. Với hồ sơ thiết bị đào tạo tự làm các tác giả và nhóm tác giả có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với bản thuyết minh công phu không chỉ đảm bảo giải thích quá trình thiết kế chế tạo mà còn hướng dẫn sử dụng chi tiết. Các tác giả cũng đã có hình thức thuyết trình minh họa đa dạng và nghiêm túc.
Kết quả Giải tập thể của hội thi: Giải nhất thuộc về Trường Cao đăng (CĐ) Lý Tự Trọng; Giải nhì là Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng; Giải ba thuộc về Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.
Giải cá nhân (tác giả và nhóm tác giả):
– Tiểu ban cơ khí ô tô: “Thiết bị nghiên cứu và chế tạo hệ thống mạng truyền thông trên ô tô”, Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM đoạt giải nhất; 2 giải nhì được trao cho “Mô hình máy bào ngang”, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và “Máy ép khuôn nhựa”, Trường CĐ Nghề TP.HCM; 2 giải ba thuộc về “Mô hình máy phay mini”, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và “Mô hình máy tiện CNC mini”, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM.
– Tiểu ban điện – điện tử – điện lạnh – cơ điện tử: Giải nhất thuộc về “Mô hình sửa chữa và vận hành cánh tay robot, Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM; Còn 2 giải nhì được trao cho Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức với “Mô hình thực hành robot” và Trường CĐ Công thương TP.HCM với “Mô hình lắp ráp điều khiển hệ thống lạnh công nghiệp”; 2 giải III được trao cho Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM với hai “Mô hình quầy lạnh thương nghiệp” và “Mô hình thực hành công nghiệp 4.0”.
– Tiểu ban tổng hợp: Giải nhất thuộc về “Mô hình phân loại sản phẩm được giám sát và điều khiển qua internet”,Trường CĐ Bách nghệ TP.HCM; Giải nhì thuộc về “Thiết bị lắp đặt, cấu hình camera quan sát”, Trường TC Nhân Đạo; 2 giải ba được trao cho “Mô hình dạy học thực tập hệ thống truyền dẫn thông tin”, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM và “Mô hình hệ thống phân loại sản phẩm theo màu sắc”, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 10 giải khuyến khích và 18 giấy chứng nhận tham gia hội thi.
Phát biểu tại lễ , ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đánh giá, một số thiết bị dự thi đã mang tính ứng dụng thực tế cao, trong đó có việc vịệc ứng dụng công nghệ 4.0 vào thiết bị đào tạo tự làm. Đây là bước tiến mới, là nền tảng vững chắc để phát triển GDNN cũng như nghiên cứu khoa học.
Ông Lâm đề nghị, thời gian tới các cơ sở GDNN tiếp tục bố trí thời gian, tài chính, khuyến khích giáo viên sáng tạo hơn nữa trong nghiên cứu, đưa được nhiều hơn thiết bị đào tạo tự làm vào ứng dụng thực tế giảng dạy GDNN.
Thông tin từ ban tổ chức, từ kết quả hội thi, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chọn 14 thiết bị tham gia Hội thi cấp toàn quốc (gồm các thiết bị đạt giải Nhất, giải Nhì và giải Ba) bằng ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các thiết bị đạt giải khuyến khích có nhu cầu sẽ tham dự Hội thi cấp toàn quốc bằng nguồn kinh phí tự túc của đơn vị.
Dự kiến, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc diễn ra từ ngày 10 đến 14-10 tới tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trương Đăng