Đặc sản xứ nghệ

Kẹo Cu Đơ – Đặc sản của xứ nghệ

Không biết cái nghề làm kẹo Cu đơ quê tôi có từ bao giờ, chỉ biết từ khi còn bé xíu tôi đã luôn thấy các bà, các mẹ trên tay bê mẹt kẹo cu đơ nặng trĩu đi vào phiên chợ sáng. Theo những người già trong làng kể lại thì nghề làm kẹo đã có ngót đến 40 năm rồi. Nó xuất phát từ nhu cầu mưu sinh của những người dân trong làng. Ban đầu chỉ một vài nhà làm kẹo lạc cùng với mật mía để bán cho bọn trẻ con. Rồi dần dần khi những người nông nhân đi làm đồng về mệt ngồi uống bát chè xanh và thanh kẹo lạc mật, thấy ngon và bùi. Cái nghề kẹo Cu đơ cũng từ đó mà phát triển. Cùng với thời gian, nhu cầu thưởng thức kẹo của người dân được nâng lên. Công thức làm kẹo bắt đầu cải tiến. Từ nguyên liệu, gia vị rồi đến quy trình… Chất lượng kẹo ngày càng được nâng lên. Ngày nay nó đã trở thành một món ngon không thể thiếu của các gia đình quê tôi mỗi khi có khách phương xa về. Chính vì thế mà kẹo cu đơ Diễn Vạn và bát nước chè xanh đã thấm sâu vào tâm hồn mỗi người con Diễn Châu khi xa quê.

 

Cơ sở sản xuất của gia đình anh Nguyễn Thế Lực là một trong những gia đình có truyền thống làm kẹo cu đơ từ nhiều đời nay. Để có được hương vị vừa thơm bùi vừa giòn tan lại không quá khô cứng của những thanh kẹo là cả một quá trình. Nghề làm kẹo lạc (sau này gọi là Cu đơ) bắt đầu từ cụ cố nội của anh Lực. Anh là đời cháu thứ tư nối nghiệp gia đình. Có thể nói, kẹo Cu đơ gia truyền của gia đình đã được anh gìn giữ và phát huy hiệu quả, bằng chất lượng và hương vị rất riêng. Gia đình anh trở thành một trong những gia đình làm Cu đơ nổi tiếng thơm ngon của làng nghề với những tuân thủ rất nghiêm ngặt từ cách chế gia vị đến chọn nguyên liệu.

  

Để có một mẻ kẹo thơm ngon và đạt yêu cầu không phải điều đơn giản. Mặc dù quy trình làm kẹo không khó. Anh lực nói chuyện và hướng dẫn cho tôi tỷ mỷ các bước làm kẹo. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cách chọn lựa nguyên liệu. Nguyên liệu để nấu một mẻ kẹo Cu đơ chỉ gồm đường, mật, lạc, mạch nha, dầu chuối… Song để kẹo thơm ngon thì đầu tiên phải chọn được loại lạc hạt to, trồng trên đất cát Diễn Châu. Vì loại lạc này có độ béo ngậy hơn những loại lạc khác. Rồi đường làm kẹo phải là đường trắng sạch, mật phải là mật mía đường có độ sánh đặc. Thao tác đầu tiên là đun sôi hỗn hợp mạch nha và mật mía, rồi cho một lượng vừa đủ đường trắng, sau đó cho tiếp lạc nhân vào nồi và bắt đầu khấy đều bằng tay hoặc bằng máy (tùy vào từng gia đình), đến khi nào lạc sôi có tiếng nổ lép bép hoặc thấy bọt sủi lên nhỏ tăm. Có gia đình thử bằng kinh nghiệm khi nhúng đầu đũa vào nồi, nêm thấy giòn tan trong miệng là được. Tắt lửa, bê nồi ra và cho vào một lượng nhỏ thuốc muối khuấy đều sẽ làm tăng thêm độ xốp và trắng cho thanh kẹo. Khi ăn kẹo sẽ giòn mềm mà không bị khô cứng. Và mẻ kẹo chỉ đạt chất lượng khi làm xong có màu vàng óng gần như tơ tằm.

Anh Vũ Văn Bình ở xóm Đồng Hà cũng đã theo cái nghề làm kẹo này ngót đến 15 năm. Từ ngày nó còn là một mặt hàng nhỏ lẻ, rất khó để thâm nhập ra thị trường. Đến nay kẹo cuđơ Diễn Vạn đã được nhiều người biết đến bởi chất lượng và hương vị độc đáo của nó. Kẹo đã theo chân những người bán buôn bán lẻ, đi khắp các làng quê trong huyện, trong tỉnh rồi ra ngoại tỉnh. Cũng chính không khí làm việc, sự cần mẫn miệt mài của những người thợ khiến tôi phải nể phục. Gọi là thợ nhưng thực ra các công nhân ở đây còn rất trẻ. Đa phần là các em mới học xong cấp 2, cấp 3, và cả sinh viên nghỉ hè tranh thủ làm thêm… Cũng từ cái nghề truyền thống này mà biết bao con em đã có công ăn việc làm ổn định, thu nhập bình quân trừ chi phí ăn uống mỗi người trung bình từ 1 triệu đến 1,5 triệu/ tháng. Ông Phan Thanh Sơn- Bí thư xóm Xuân Bắc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu cho biết, từ khi phát triển làng nghề đời sống của người dân trong xóm được nâng lên đáng kể. Tính riêng năm 2009 thu nhập từ nghề làm bánh kẹo này đã chiếm 2/3  tổng thu nhập của người dân.

Ở quê tôi, như đã thành một nét văn hóa, một nếp sinh hoạt thường ngày. Vào mỗi buồi trưa hè hay mùa đồng giá rét. Nhà nào có ấm chè xanh ngon là lại gọi hàng xóm sang góp vui. Chủ nhà không quên sắm thêm đĩa kẹo Cu đơ. Cũng từ đó, biết bao câu chuyện làng chuyện xóm, chuyện học hành của những đứa trẻ được bàn luận rôm rả. Tình làng nghĩa xóm càng trở nên khăng khít… Những đứa trẻ thích thú khi được ngồi ăn kẹo, nghe người lớn nói chuyện, dù chúng chẳng hiểu gì. Song cũng chính những buổi trưa hè như thế này đã đi vào tâm thức tôi, nuôi dưỡng tâm hồn tôi cùng biết bao người con xứ Vạn thân yêu!

Uống chè xanh ăn kẹo Cu đơ đã trở thành cái thú của người dân quê tôi nói riêng và người xứ Nghệ nói chung. Một món ngon dân giã mà hương vị quê nhà được hòa quện một cách sâu sắc. Mọi người, mọi nhà đều uống chè xanh, ăn kẹo Cu đơ nhưng khi được hỏi đến vì sao lại nghiền cái món này như thế? Họ chỉ cười hiền và trả lời một cách mộc mạc: Kẹo cu đơ và chè xanh là món ăn không thể thiếu với người nông dân chúng tôi. Khi đi làm về mệt mà có bát chè xanh và thanh kẹo thì người khỏe hẳn ra.

 

Theo chân một người đàn ông mà năm nay đã qua tuổi 80. Cái tuổi gần đất xa trời như ông bà ta thường nói. Và với ông, từ khi biết ăn, biết chơi ông đã biết uống chè xanh, ăn kẹo Cu đơ rồi. Đó là ông Nguyễn Quyền ở xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn. Trò chuyện với ông, tôi mới hiểu hết được cái ngon cái độc đáo của món ăn này. Một chút ngọt của đường trắng và mật mía, rồi vị béo ngậy của những hạt lạc, hương thơm nồng của mạch nha, dầu chuối, vị chát chát của bát nước chè xanh… Tất cả quện vào nhau. Thấm tê nơi đầu lưỡi, để lại cho người thưởng thức một cảm giác khó tả. Cái hương vị rất riêng mà không thể gọi thành tên. Ông Quyền tâm sự, cũng chẳng hiểu vì sao mà tôi nghiền kẹo cu đơ và chè xanh đến vậy. Đến bây giờ sống từng này tuổi rồi mà ngày nào không có bát chè xanh, không có cái kẹo Cu đơ thì thấy khó chịu và thiếu thiếu một cái gì đó.

Rời khỏi làng nghề, thả bộ trên con đường làng quen thuộc, Tôi ghé vào một quán cóc nhỏ bên đường. Nhìn những chồng kẹo Cu đơ được bày bán, trong lòng trào dâng niềm tự hào về cái nghề truyền thống của cha ông. Mua một gói Cu đơ và chia cho những đứa nhỏ, cùng chúng ngồi dưới gốc cây nhâm nhi. Những ngày thơ bé lại ùa về, vẹn nguyên trong ký ức. Vị ngọt tê nơi đầu lưỡi, mùi thơm nồng và béo ngậy của những hạt lạc rồi cái mát mẻ khoáng đạt của những cơn gió trời nơi miền quê yêu dấu làm tâm hồn tôi thư thái đến lạ!

Có lẽ lâu lắm rồi sau những bộn bề công việc chốn thị thành, tôi mới có lại cảm giác này! Cũng chính vị quê ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao người con được sinh ra trên mảnh đất mà có khi hạt muối còn nhiều hơn hạt gạo này!

(Khánh Ly)

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết khác